Sếp Coteccons: Chúng tôi không ăn mày quá khứ


Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov nói sẽ không bị cuốn theo hình ảnh “gã khổng lồ” trong quá khứ còn CEO Võ Hoàng Lâm khẳng định sẽ tập trung nguồn lực tiến về phía trước.

Trong buổi đối thoại với Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons chiều 16/1, một cổ đông đề nghị ban lãnh đạo đánh giá về sự trỗi dậy của “hệ sinh thái Nguyễn Bá Dương” – cựu chủ tịch Coteccons – và liệu khủng hoảng nội bộ của đối thủ trực tiếp là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có phải cơ hội cho công ty đoạt lại vị trí số một trong ngành (tính theo doanh thu).

“Tôi đi đâu cũng nghe câu hỏi này, từ khách hàng đến đối tác”, Tổng giám đốc Coteccons Võ Hoàng Lâm nói và khẳng định không “ăn mày quá khứ” bởi điều này chỉ khiến công ty yếu đi, không tập trung đủ nguồn lực để tiến về phía trước.

Ông Bolat Duisenov và ông Võ Hoàng Lâm trong buổi trao đổi với cổ đông chiều 16/1. Ảnh: CTD

Ông Bolat Duisenov và ông Võ Hoàng Lâm trong buổi trao đổi với cổ đông chiều 16/1. Ảnh: CTD

Coteccons từng là nhà thầu lớn nhất Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019 khi doanh thu luôn đạt trên 20.000 tỷ đồng. Đỉnh điểm vào năm 2018, công ty ghi nhận doanh thu hơn 28.500 tỷ đồng và bỏ xa đối thủ xếp sau là Hòa Bình hơn gần 10.000 tỷ đồng. Đến năm 2021, vị thế đảo ngược khi doanh thu Coteccons chỉ còn 9.000 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông, kém đối thủ khoảng 2.000 tỷ đồng.

Không đề cập trực tiếp đến các đối thủ khi trả lời câu hỏi trên, Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov cho rằng thị trường vẫn nhìn nhận Coteccons là doanh nghiệp xây dựng đầu ngành và không khác gì “một gã khổng lồ”. Tuy nhiên, ông khẳng định công ty là “gã khổng lồ khiêm tốn” bởi phần lớn trong số 2.000 nhân viên công ty là kỹ sư xây dựng và thích nói nhiều hơn làm.

“Coteccons biết rất rõ mình muốn gì và cần làm gì để lớn mạnh. Chúng tôi đang đi từng bước, xây từng viên gạch đến mục tiêu của mình”, ông Bolat nói, đồng thời nhắc lại thông điệp công ty không so sánh mình với đối thủ mà chỉ tập trung làm tốt các công việc hiện tại.

Coteccons ước tính doanh thu năm nay đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 60% so với năm ngoái và hoàn thành khoảng 97% kế hoạch hơn 15.000 tỷ đồng đề ra ban đầu. Công ty chưa công bố lợi nhuận cụ thể mà chỉ cho biết “đạt theo dự kiến”.

Ông Bolat thừa nhận “2022 là một năm không dễ dàng, thậm chí rất chật vật với Coteccons”. Công ty đặt kế hoạch thận trọng – lãi 20 tỷ đồng do đánh giá thị trường có nhiều yếu tố khó khăn như dịch bệnh làm chậm dòng tiền của chủ đầu tư, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, sự cạnh tranh quyết liệt khiến nhiều đối thủ sẵn sàng bỏ giá thấp để trúng thầu, ưu tiên phúc lợi để giữ chân nhân sự và trích lập dự phòng cho nợ xấu của những dự án từ các năm trước để lại. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa lường hết được những biến động về giá nguyên vật liệu (thép, bê tông) tăng đột biến khiến biên lợi nhuận bị ảnh hưởng.

“Tôi thấy may mắn khi đã thực hiện tương đối kế hoạch đề ra”, ông Bolat nói, đồng thời bổ sung nếu không trích lập dự phòng khoản nợ xấu liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh thì kết quả kinh doanh sẽ tốt hơn nhiều.

Ban lãnh đạo Coteccons cho rằng sau giai đoạn tái cơ cấu, bức tranh tài chính sẽ sáng hơn trong năm nay. Dựa trên giá trị hợp đồng chuyển tiếp (backlog) khoảng 17.000 tỷ đồng, công ty kỳ vọng doanh thu cao hơn cùng kỳ khoảng 10-20%. Với những dự án đầu tư công và xây dựng hạ tầng lớn, công ty đã chuẩn bị nguồn lực từ năm ngoái thông qua việc xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng, đầu tư thiết bị, kho bãi… để đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu CTD đang tích lũy quanh vùng giá 35.000 đồng sau khi hồi phục từ vùng đáy 23.000 đồng. Hiện tại, room khối ngoại (giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài) 39% đã không còn. Ban lãnh đạo dự kiến trình đại hội đồng cổ đông năm nay kế hoạch nới room trước mắt lên 60% theo điều lệ và sau đó là không giới hạn.

Phương Đông

Chia sẻ bài viết

spot_imgspot_img

Bài xem nhiều nhất

Bài viết liên quan
Related