Ông Tập: ‘Thế giới đủ lớn để Mỹ – Trung cùng thịnh vượng’

Date:

Bạn quan tâm

[ad_1]

Ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc không có ý định thách thức Mỹ, trong khi ông Biden nhấn mạnh “không cần phải có cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, hôm nay kéo dài khoảng ba tiếng. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021. Hai bên đã thảo luận về hàng loạt vấn đề như cạnh tranh Mỹ – Trung, chiến sự tại Ukraine, căng thẳng tại eo biển Đài Loan và tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau cuộc hội đàm, ông Tập đã nói với ông Biden rằng thế giới “đủ lớn” để hai nước cùng phát triển thịnh vượng và họ có nhiều lợi ích chung. Ông nhấn mạnh Bắc Kinh không tìm cách thách thức Mỹ hoặc “thay đổi trật tự quốc tế hiện có” và kêu gọi hai bên tôn trọng lẫn nhau.

Chủ tịch Trung Quốc (trái) gặp Tổng thống Mỹ tại Bali, Indonesia ngày 14/11. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Trung Quốc (trái) gặp Tổng thống Mỹ tại Bali, Indonesia ngày 14/11. Ảnh: AFP.

Ông Tập Cận Bình bày tỏ phản đối chính trị hóa và vũ khí hóa quan hệ kinh tế. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington nên được định hình bởi đối thoại và hợp tác đôi bên cùng có lợi, thay vì đối đầu và cạnh tranh một mất một còn.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng nói rằng cạnh tranh không nên lệch hướng thành xung đột và hai nước cần kiểm soát vấn đề này, cũng như duy trì liên lạc. “Mỹ sẽ không thể giải quyết mọi vấn đề với Trung Quốc, nhưng chúng ta không cần phải có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, ông Biden nói.

“Bắc Kinh và Washington cùng có trách nhiệm cho thế giới thấy rằng chúng ta có thể quản lý sự khác biệt, ngăn cạnh tranh trở thành xung đột”, Tổng thống Mỹ nói thêm.

Ông Biden nhấn mạnh Mỹ không thay đổi chính sách “Một Trung Quốc”, nhưng cho rằng những hành động của Trung Quốc quanh đảo Đài Loan hiện nay đe dọa hòa bình khu vực. Tổng thống Mỹ bày tỏ phản đối “những động thái ngày càng hung hăng và mang tính cưỡng ép” của Bắc Kinh nhằm vào hòn đảo. Trong khi đó, ông Tập nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và cũng là “lằn ranh đỏ không thể vượt qua” trong quan hệ Bắc Kinh – Washington.

Hai bên nhất trí rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được phép triển khai trong chiến sự. “Hai lãnh đạo cũng nhấn mạnh phản đối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine”, thông cáo của Nhà Trắng có đoạn.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập nói với ông Biden rằng Bắc Kinh “quan ngại sâu sắc” về cuộc xung đột. “Trung Quốc đứng về phía hòa bình và sẽ tiếp tục khuyến khích các cuộc đàm phán hòa bình. Chúng tôi ủng hộ và mong muốn các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine được nối lại”, Chủ tịch Trung Quốc nói.

Ông Biden gặp ông Tập tại Bali

Chủ tịch Trung Quốc (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia, ngày 14/11. Video: AFP.

Tổng thống Biden cũng đề cập đến những lo ngại xung quanh các động thái của Triều Tiên gần đây, cho rằng “tất cả thành viên cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Bình Nhưỡng hành động có trách nhiệm”.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc thống nhất bổ nhiệm các quan chức chủ chốt trong chính quyền cho việc duy trì liên lạc song phương. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến thăm Trung Quốc để tiến hành cuộc thảo luận tiếp theo, nhiều khả năng vào đầu năm 2023. Ông Blinken sẽ là quan chức Mỹ cấp cao nhất thăm Trung Quốc kể từ năm 2018.

Mặc dù sự kiện hôm nay là lần đầu tiên ông Biden gặp ông Tập trên cương vị tổng thống, hai lãnh đạo đã có lịch sử tiếp xúc lâu dài. Theo ước tính của ông Biden, vào thời ông làm phó tổng thống, ông đã dành 67 giờ làm việc trực tiếp với ông Tập, trong đó có chuyến công du Trung Quốc năm 2011 và cuộc gặp năm 2017 vào giai đoạn cuối của chính quyền Obama.

Kể từ khi ông Biden nhậm chức, lãnh đạo Mỹ – Trung đã điện đàm với nhau 5 lần, nhưng quan hệ hai nước vẫn lao dốc xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Căng thẳng hai nước gia tăng sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hồi tháng 8. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần.

Trong cuộc điện đàm hồi tháng 3, ông Biden cũng cảnh báo ông Tập không ủng hộ Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trung Quốc không lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và không áp lệnh trừng phạt với nước này. Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định tình hữu nghị “không giới hạn”.

Triều Tiên gần đây liên tục phóng thử nhiều tên lửa các loại và được cho là đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017. Trung Quốc là đồng minh của Triều Tiên và hai nước có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ. Trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm, khi được hỏi liệu Bắc Kinh có thể thuyết phục Bình Nhưỡng không tiến hành thử hạt nhân hay không, ông Biden trả lời: “Rất khó để xác định Trung Quốc có khả năng đó hay không”.

Vũ Anh (Theo Reuters)

[ad_2]

Xem nhiều