[ad_1]
Ông Trump dọa xóa luật công nhận người “sinh ở Mỹ là công dân Mỹ” nếu đắc cử nhằm đối phó nạn nhập cư trái phép, song điều này gần như bất khả thi.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/5 đăng video chiến dịch tranh cử, tuyên bố nếu tái đắc cử năm 2024, ngay trong ngày đầu nhậm chức, ông sẽ ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang xóa bỏ quy định tự động cấp quyền công dân cho người sinh ra ở Mỹ.
Sắc lệnh đó sẽ quy định em bé sinh ra tại Mỹ chỉ được cấp quốc tịch Mỹ khi có ít nhất bố hoặc mẹ là công dân hay thường trú nhân hợp pháp. Ông Trump nói rằng điều này sẽ đảm bảo con cái của những người nhập cư bất hợp pháp không còn tự động được nhận quốc tịch Mỹ.
Theo cựu tổng thống, quy định tự động cấp quyền công dân Mỹ theo nơi sinh là “lố bịch”, khi nó khuyến khích nhiều nhập cư bất hợp pháp vượt biên vào nước này để sinh con. Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Trump tìm cách xóa bỏ một quy định đã có từ lâu liên quan đến quyền nhập tịch Mỹ.
Ông Trump từng đề xuất chấm dứt quy định “quyền công dân theo nơi sinh” trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2015. Sau khi đắc cử năm 2016, tổng thống Trump tiếp tục nêu lại ý tưởng trên trong một cuộc phỏng vấn truyền hình vào tháng 11/2018, ngụ ý rằng sẽ chấm dứt quy định bằng một sắc lệnh hành pháp.
Phản ứng với tuyên bố từ tổng thống, chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ Paul Ryan khẳng định đó là hành động “không thể được thực hiện bằng sắc lệnh hành pháp”. Ông Trump rốt cuộc đã không hiện thực hóa được tuyên bố này trong hai năm nhiệm kỳ còn lại.
Thực tế, quyền công dân theo nơi sinh được quy định trong Tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ, được phê chuẩn vào năm 1868. Theo đó, tất cả những người “sinh ra tại Mỹ hoặc nhập tịch Mỹ” sẽ được cấp quyền công dân, ngay cả khi bố mẹ họ nhập cư vào Mỹ bất hợp pháp.
Theo các nhà sử học, quy định này liên quan mật thiết đến chế độ nô lệ ở Mỹ. Nhiều thập kỷ trước cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865), nhiều bang miền bắc đã bãi bỏ quy định về việc xác định tình trạng nô lệ của một người dựa trên nơi sinh của họ.
New York ban hành một đạo luật vào tháng 7/1799, tuyên bố bất kỳ đứa trẻ nào do một nô lệ sinh ra trong bang này đều được coi là có thân phận tự do. New Jersey, Pennsylvania, Connecticut, Illinois và Rhode Island cũng làm điều tương tự, coi tất cả những người sinh ra trong bang đều có thân phận tự do, không phải nô lệ.
Luật “tự do theo nơi sinh” đã đập tan nền tảng của chế độ nô lệ cha truyền con nối, vốn đã tồn tại từ lâu thông qua quy định nghiệt ngã rằng con cái của những phụ nữ bị bắt làm nô lệ cũng đều bị coi là nô lệ.
Một số bang miền bắc thậm chí còn đi xa hơn, tuyên bố con cái của những nô lệ chạy trốn khỏi các đồn điền ở miền nam cũng được xác nhận thân phận tự do.
Năm 1816, Tòa án Tối cao bang Pennsylvania cho rằng con gái hai tuổi của một nô lệ chạy trốn được “sinh ra tự do” ở Pennsylvania và có quyền ở lại, mặc dù mẹ cô bé đã bị bắt và đưa trở về bang Maryland ở miền nam, nơi vẫn duy trì chế độ nô lệ. Hàng chục tòa án liên bang và cấp bang ở ít nhất 6 bang miền bắc đã áp dụng quy tắc tương tự trong những phán quyết sau đó.
Được thúc đẩy bởi quy định này, một số phụ nữ nô lệ đã trốn sang các bang miền bắc để sinh con. Các chủ nô đã cố gắng truy tìm họ, đưa ra những phần thưởng hấp dẫn cho bất kỳ ai giúp bắt họ trở lại “khi đang mang thai”.
Bằng cách vượt biên giới bang, những người phụ nữ nô lệ có thể đảm bảo quyền tự do cho con cái họ, thứ mà họ không bao giờ có được cho chính mình theo Điều khoản về Nô lệ Chạy trốn của hiến pháp Mỹ, trao cho chủ nô quyền bắt lại họ.
Hy vọng xóa bỏ chế độ nô lệ thông qua luật cấp bang của các bang tự do đã kết thúc với phán quyết năm 1857 của Tòa án Tối cao Mỹ trong vụ Dred Scott kiện Sandford. Phán quyết này ngăn cản các bang miền bắc giải phóng những người da màu sinh ra hoặc cư trú trong biên giới của họ sau khi họ trở về hoặc bị buộc chuyển sang các bang vẫn duy trì chế độ nô lệ.
Chánh án Roger Taney thời điểm đó cũng tuyên bố rằng không người da màu nào, dù với thân phận nô lệ hay tự do, được công nhận là công dân Mỹ và có thể hưởng “các quyền và đặc quyền” của công dân Mỹ. Quyết định trên đã góp phần dẫn đến cuộc nội chiến và sau đó là việc bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1865.
Một năm sau, quốc hội Mỹ tranh luận về việc có nên bổ sung quyền công dân theo nơi sinh vào hiến pháp hay không. Họ rõ ràng muốn bác bỏ phán quyết trong vụ Dred Scott cấm người da màu có quyền công dân, cũng như đưa nguyên tắc “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng” trong Tuyên ngôn Độc lập Mỹ vào hiến pháp.
Kết quả là điều khoản đầu tiên của Tu chính án thứ 14, được gọi là Điều khoản về Quyền Công dân, ra đời, tuyên bố rằng “tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch vào Mỹ, chịu sự quản lý của Mỹ, đều là công dân Mỹ và bang nơi họ cư trú”.
Tuy nhiên, hơn 32 năm sau, điều khoản này đã bị thách thức bởi vụ kiện của Hoàng Kim Đức và chính phủ Mỹ.
Hoàng Kim Đức sinh năm 1873 tại San Francisco trong một gia đình gốc Hoa. Ông sống phần lớn cuộc đời mình tại Mỹ, làm đầu bếp và công nhân. Hoàng nhận thức mình là người Mỹ từ khi mới sinh.
Nhưng khi Hoàng trở về nhà sau chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 8/1895, chính phủ Mỹ đã cấm ông nhập cảnh, từ chối quyền công dân của ông, mặc dù thừa nhận ông sinh ra trên đất Mỹ.
Các quan chức chính phủ Mỹ khi đó coi việc trao quyền công dân cho trẻ em trong những gia đình gốc Hoa sinh ra tại Mỹ là vi phạm Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc năm 1882. Đây là một luật phân biệt chủng tộc cấp liên bang cấm hầu hết người Trung Quốc nhập cư vào Mỹ.
Hoàng trở thành “cái cớ” cho chính phủ Mỹ bãi bỏ luật trao quyền công dân theo nơi sinh cho con cái của những nhóm nhập cư “không mong muốn”. Ông đã kiện chính phủ Mỹ lên Tòa án Tối cao vì từ chối quyền công dân của mình.
Tổng biện lý sự vụ Holmes Conrad là người đại diện cho chính phủ Mỹ trong vụ kiện của Hoàng. Conrad sinh ra trong một gia đình chủ nô nổi tiếng ở Virginia, từng là sĩ quan Quân đội Liên minh miền nam trong Nội chiến và rất muốn công kích Tu chính án thứ 14 bằng cách từ chối quyền công dân cho con cái của những người nhập cư da màu.
Nhưng Điều khoản về Quyền Công dân của Tu chính án thứ 14 được viết bằng những thuật ngữ trung lập về chủng tộc. Nếu muốn hủy quyền công dân của Hoàng, Conrad cũng phải từ chối quyền công dân với con cái của tất cả những người khác không phải công dân Mỹ nhưng sinh ra trên đất Mỹ. Tuyên bố này về cơ bản sẽ tước bỏ quyền công dân của hàng trăm nghìn người sinh ra ở Mỹ nhưng có cha mẹ là người nhập cư.
Sau hơn một năm cân nhắc, vào ngày 28/3/1898, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ lập luận của chính phủ và phán quyết rằng con cái được những người nhập cư sinh ra tại Mỹ vẫn là công dân Mỹ.
Chiến thắng của Hoàng được cho là bất ngờ đối với một tòa án mà trước đó thường ra phán quyết chống lại nhóm công dân mà họ gọi là “người Trung Quốc đáng ghét”.
Nếu Hoàng thua, vụ kiện sẽ chia Mỹ thành hai giai cấp: Một bên là những công dân được hưởng đầy đủ các quyền chính trị và dân sự, còn bên kia là những người không phải công dân và con cháu họ sẽ bị từ chối các quyền tương tự.
Đây là điều Tu chính án thứ 14 muốn ngăn chặn. Sau cùng, quyết định của Tòa án Tối cao đã đảm bảo quyền công dân cho con cái của những người nhập cư sinh ra ở Mỹ mà các sắc lệnh hành pháp không thể xóa bỏ.
Các chuyên gia cũng cho rằng lập luận của ông Trump đang đi ngược lại chính nền tảng của đảng Cộng hòa, những người từng phản đối chế độ nô lệ và bảo vệ nguyên tắc bình đẳng, bao trùm sau thời kỳ nội chiến. Bởi vậy, đề xuất của ông nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính các thành viên đảng Cộng hòa.
“Ý tưởng đằng sau Tu chính án thứ 14 là quyền công dân nên được trao cho những người đáp ứng tiêu chuẩn, bất chấp chủng tộc, nguồn gốc hay địa vị của cha mẹ họ”, nhà sử học Eric Foner nói. “Đó là một trong những nguyên tắc nền tảng của đảng Cộng hòa”.
Laurence Tribe, giáo sư luật tại Đại học Harvard, cho rằng nếu Trump đắc cử và ký sắc lệnh bãi bỏ luật này, ông sẽ lập tức đối mặt với các vụ kiện ở Tòa án Tối cao, nơi ông chắc chắn thất bại. “Quyết định như vậy không có bất cứ cơ hội nào được Tòa án Tối cao chấp thuận, ngay cả với những thẩm phán được ông Trump bổ nhiệm”, giáo sư Tribe nhận định.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, Guardian, AP)
[ad_2]