[ad_1]
Đồng NaiSau 32 năm đưa vào khai thác, lòng hồ Trị An bị bồi lắng 145 triệu m3, đang được tỉnh lên kế hoạch nạo nét bổ sung cho nguồn vật liệu san lấp đường.
Ngày 1/6, Công ty Điện lực Trị An cho biết qua khảo sát lượng trầm tích (đất, cát, bùn) bồi lắng chiếm hơn 5% thể tích thiết kế ban đầu lòng hồ. Giai đoạn trước năm 2016, tốc độ bồi lắng cao, nhưng gần đây giảm dần do các hồ thủy điện nhỏ (Đồng Nai 2, 3, 4 và 5) được xây dựng và vận hành ở đầu nguồn dòng chảy vào hồ Trị An.
Ngoài việc hồ bị bồi lắng, một số phần của hồ bị xói mòn do hoạt động khai thác cát, khiến bùn sét bị đẩy về phía hạ du. Dự báo đến năm 2026, quá trình bồi lắng lòng hồ khoảng 180 triệu m3, tương đương 6,5% thể tích hồ. “Phần đất cát tích tụ vẫn trong ngưỡng cho phép và ít ảnh hưởng đến hồ”, ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty Điện lực Trị An nói.
UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Xây dựng cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lên phương án nạo vét lòng hồ Trị An vào mùa khô. Việc này nhằm tăng khả năng trữ nước, phục vụ sản xuất điện, nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ du. Đất, cát sau khi nạo vét sẽ bổ sung cho nguồn vật liệu san lấp đường, công trình ở tỉnh.
Hồ thủy điện Trị An rộng khoảng 32.000 ha nằm trên 4 huyện Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom và Vĩnh Cửu, với dung tích chứa khoảng 2,7 tỷ m3 nước. Công trình ngoài phục vụ sản xuất điện còn có chức năng điều tiết nước về hạ nguồn phục vụ sản xuất, nhà máy sản xuất nước sạch cho 12 triệu người dân Đồng Nai và TP HCM.
Nhà máy Thủy điện Trị An được xây dựng từ năm 1984, khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1991. Đây là công trình thủy điện lớn nhất miền Nam với 4 tổ máy, tổng công suất thiết kế 400 MW. Cùng với khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và rừng quốc gia Nam Cát Tiên, khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An tạo thành khu dữ trữ sinh quyển Đồng Nai.
Phước Tuấn
[ad_2]