[ad_1]
Thị trường chứng khoán đã khép lại tháng “Sell in May” theo đúng nghĩa đối với nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại bán ròng 15/20 phiên trên HoSE với tổng giá trị gần 3.100 tỷ đồng. Nếu chỉ tính qua kênh khớp lệnh, con số này còn lên đến hơn 3.700 tỷ đồng. Sau 2 tháng bán ròng mạnh liên tiếp, giá trị mua ròng luỹ kế từ đầu năm của khối ngoại đã gần “về mo”, chỉ còn vỏn vẹn 65 tỷ.
Trong tháng 5 vừa qua, áp lực bán ròng của khối ngoại tương đối dàn trải và chủ yếu qua kênh khớp lệnh. Không có cái tên nào bị xả đến nghìn tỷ nhưng các cổ phiếu nằm trong tâm điểm như CTG, EIB, VNM đều ghi nhận giá trị bán ròng trên 500 tỷ đồng. Các cổ phiếu còn lại trong top 10 đều bị bán ròng trên trăm tỷ.
Ngược lại, lực mua khá yếu trên kênh khớp lệnh. Nếu loại ra các thoả thuận đột biến, không có cổ phiếu nào có giá trị mua ròng đến 400 tỷ trong tháng 5 vừa qua. STG là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với giá trị lên đến gần 1.300 tỷ đồng nhưng toàn bộ được giao dịch thông qua phương thức thoả thuận.
Động thái bán ròng của khối ngoại trong tháng 5 đến từ cả các quỹ ngoại chủ động và nhóm ETF. Các quỹ ngoại lớn như VEIL-Dragon Capital, Pyn Elite Fund,… đã gần như không còn dư địa tiền mặt để giải ngân từ cuối tháng 4 trong khi China Trust Vietnam Opportunity Fund mới chỉ dừng ở bước gọi vốn.
Trong khi đó, các quỹ ETF được ví như “thỏi nam châm” hút tiền giai đoạn trước cũng đều đang đánh mất phong độ. Fubon ETF tiếp tục chững lại từ cuối tháng 3 dù vẫn trong đợt huy động bổ sung đợt 5 trong khi DCVFM VNDiamond ETF lại liên tục bị nhà đầu tư Thái Lan rút vốn thông qua kênh chứng chỉ lưu ký (DR).
Thực tế, khối ngoại có xu hướng bán ròng thời gian gần đây là điều không quá bất ngờ khi thị trường tiếp đà hồi phục nhẹ từ cuối tháng 4. Rất nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh trong nhịp hồi vừa qua. Định giá thị trường cũng không còn quá hấp dẫn, đặc biệt sau mùa báo cáo tài chính quý 1 với lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Sau khi mua vào lượng lớn từ thời điểm cuối năm ngoái kéo dài đến đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài có động thái chốt lời cũng dễ hiểu.
Bên cạnh đó, sau 3 lần giảm liên tiếp, mặt bằng lãi suất điều hành của Việt Nam đã về mức trước Covid-19. Ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng MBS cho rằng dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn là khá hẹp và điều này ảnh hưởng đến triển vọng của thị trường chứng khoán ngắn hạn.
Tuy nhiên, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài có thể chỉ mang tính chất thời điểm và dòng tiền ngoại được kỳ vọng sẽ trở lại khi thị trường bước qua chu kỳ suy giảm lợi nhuận. 2 quý vừa qua, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết suy giảm rất mạnh trong khi chi phí vốn mặc dù giảm nhưng không theo kịp.
Theo ông Trần Ngọc Báu – CEO Wi Group, mức độ suy giảm lợi nhuận có thể sẽ chậm lại từ quý 2, thậm chí một vài ngành còn được kỳ vọng bắt đầu ghi nhận tăng trưởng nhẹ trở lại. Đây cũng là thời điểm mà chi phí vốn sẽ giảm nhanh và duy trì ở mặt bằng thấp. Điều này có thể sẽ hỗ trợ diễn biến của thị trường chứng khoán cũng như thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại.
Thực tế, thị trường chứng khoán cũng đã xuất hiện tín hiệu tích cực đến từ thanh khoản. Giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE tiếp tục tăng tháng thứ 2 liên tiếp, đạt hơn 10.600 tỷ đồng/phiên, cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Đặc biệt trong một vài phiên cuối tháng, giá trị khớp lệnh trên HoSE thậm chí đã lên đến 14.000-15.000 tỷ đồng.
Động lực đương nhiên đến từ các nhà đầu tư trong nước và không loại trừ khả năng một phần margin đã được kích hoạt trở lại. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiết kiểm có xu hướng đi xuống cũng có thể khiến một phần dòng tiền chuyển dịch sang kênh chứng khoán. Tuy nhiên, con số này nhiều khả năng không lớn và vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng.
[ad_2]