Home Xã hội Chuyện tình của cựu thuyền phó tàu không số

Chuyện tình của cựu thuyền phó tàu không số

0
Chuyện tình của cựu thuyền phó tàu không số

[ad_1]

Đà NẵngRời đoàn tàu không số sau 7 chuyến chở vũ khí vào Nam, ông Hồ Thăng Nhuận nên duyên vợ chồng với cô gái quê Thái Bình từ chuyện chiếc kẹp tóc.

Tết Quý Mão 2023, cựu thuyền phó tàu không số Hồ Thăng Nhuận chuẩn bị mừng đại thọ 100 tuổi. Cụ sống vui vẻ cùng vợ Nguyễn Thị Diễn, kém mình 16 tuổi, trong căn nhà nhỏ tại hẻm đường Trần Quang Khải, quận Sơn Trà. Minh mẫn và mạnh khỏe, ông bà thường nói vui “chưa phải nhờ đến con cháu”.

Vợ chồng ông Nhuận, bà Diễn trong căn nhà ở đường Trần Quang Khải, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Vợ chồng ông Nhuận, bà Diễn trong căn nhà ở đường Trần Quang Khải, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Nhuận làm thuyền phó 7 chuyến tàu không số chở vũ khí từ miền Bắc vào Nam. Chuyến thứ 8 năm 1967, tàu bị hai thủy phi cơ Hạm đội 7 của Mỹ phát hiện và áp sát. Thủy thủ đóng giả ngư dân ngồi vá lưới, qua mắt được lính do thám. Khi đưa hàng cập bến, tàu bị địch vây ráp, may mắn tránh được đụng độ.

Sau chuyến biển đó, lo ngại nhóm thủy thủ bị phát hiện, cấp trên điều chuyển chuẩn úy Nhuận sang Cục Đường sông (Bộ Giao thông Vận tải), nhận nhiệm vụ rà phá bom từ trường do máy bay Mỹ rải xuống nhằm phá hoại miền Bắc và gài bẫy triệt đường tiếp tế của bộ đội cho chiến trường miền Nam.

Hiểu biết về khí tài, ông Nhuận nghĩ ra cách đóng từng bè chuối, đục lỗ xuyên qua để xỏ dây lạt, phía dưới bè đan rọ bỏ kim loại vào rồi huy động nhân lực kéo song song hai bên bờ sông dài hàng trăm mét. Bom từ trước gặp kim loại thì phát nổ. Nhiều khi nổ liên hoàn hàng chục quả dọc khúc sông.

Sau những chiến dịch phá bom thành công ở Hưng Yên, ông Nhuận được điều về xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình để phổ biến kinh nghiệm cho các xã đội và dân quân. Lần đầu gặp người đàn ông Đà Nẵng “nước da đen và giọng nói mười câu mới hiểu một”, bà Diễm gọi bằng bác.

Xã Thái Thượng khi đó hầu như chỉ còn phụ nữ, đàn ông đã lên đường vào Nam chiến đấu. Phụ nữ “quê hương 5 tấn” những lúc không bận mùa vụ lại xung phong vào dân quân, du kích và đi phá bom mìn. Để tránh bom từ trường phát nổ, trước lúc làm nhiệm vụ, ông Nhuận thu hết kẹp tóc kim loại của chị em.

“Cũng vì chiếc kẹp tóc mà tôi với bà ấy bén duyên nhau”, ông Nhuận kể. Sau một lần đi phá bom, ông Nhuận trả lại kẹp tóc cho mọi người, sót chiếc kẹp tóc của bà Diễn. Hôm sau, ông xuống nhà xã đội trưởng, là bà con với bà Diễn, bị ông này truy hỏi “đồng chí giữ kẹp tóc của cháu tôi làm gì?”.

Ông Nhuận tức tốc xuống nhà bà Diễn để trả lại kẹp tóc. Bà cũng thắc mắc “sao kẹp tóc của chị em bác đã trả hết, lại không trả cho cháu”. “Tôi phải cố giải thích cho bà ấy hiểu là không cố tình. Hai người nói chuyện qua lại, tôi mới biết bà ấy từng có giao ước từ năm 15 tuổi với chàng trai trong làng. Nghe tin anh ấy hy sinh ở chiến trường, bà định ở vậy giữ lòng chung thủy”, ông kể.

Ngày Tết, bà Diễn tự tay cắm hoa, trang trí nhành mai. Ông Nhuận đứng cạnh, khẽ dụi trán vào má vợ, nở nụ cười. Ảnh: Nguyễn Đông

Ngày Tết, bà Diễn tự tay cắm hoa, trang trí nhành mai. Ảnh: Nguyễn Đông

Người đàn ông đã làm lễ ăn hỏi trước đó với bà Diễn đi lính ba năm gửi về một lá thư dài 10 trang giấy. Cuối thư là lời nhắn gửi “nếu sau này em muốn đi bước nữa, ai thương thì lấy, đừng chờ anh”. Sau đó có giấy báo tử gửi về. Bà Diễn đau buồn nhưng cuốn vào công việc xã đội và dạy học nên không nghĩ đến chuyện chồng con, dù nhiều người trong làng đến dạm hỏi.

Ông Nhuận sau đó lên Hà Nội làm nhiệm vụ, nhưng nỗi nhớ bà Diễn cứ ngày một lớn. Từng có một đời vợ nhưng chia ly vì chiến tranh rồi mất liên lạc, ông tỏ ra dè dặt trong việc biểu lộ tình cảm. Không viết thư, mỗi lần được nghỉ phép ông lại đạp xe hơn 100 km về Thái Bình tìm gặp bà Diễn.

Bao tâm sự được ông Nhuận gửi gắm vào những vần thơ: Em đưa chân anh ra bên đò/ Quay trở lại lòng anh vò như tơ/ Gặp nhau chưa được mấy giờ/ Nói năng chưa hết lời thơ vẫn còn/ Thương em giữ tấm lòng son/ Mối tình chung thủy ta còn gặp nhau. Bà Diễn khi ấy 28 tuổi dần chấp nhận tình cảm của ông. Anh trai của người đã làm lễ ăn hỏi với bà Diễn cũng ủng hộ chuyện tình cảm của ông Nhuận và bà Diễn.

Cuối năm 1969, ông bà tổ chức đám cưới, bất chấp những lời dèm pha của nhiều trai làng “trai miền Nam có gì hơn”. Đám cưới thời chiến giản đơn chỉ có gia đình nhà gái và một đồng nghiệp ở Cục Đường sông đại diện cho nhà trai. Tiệc mừng là nước chè xanh, thuốc lá và chút bánh kẹo. Sau đêm tân hôn, sáng hôm sau ông Nhuận lại đạp xe lên Hà Nội làm nhiệm vụ.

Năm 1970, ông bà có con gái đầu lòng. Mỗi tháng đều đặn ông Nhuận gửi lương 77 đồng về cho vợ nuôi con. Những chuyến nghỉ phép ngắn ngày gia đình mới có dịp đoàn viên. Năm 1972, ông Nhuận chuyển sang làm ở Cục Đường biển, lái tàu vận tải. Hai năm sau, ông được làm visa để chở hàng hóa đi nước ngoài, nhưng quyết định về hưu sớm, phần vì vết thương bom găm vào bụng thường tái phát lúc trở trời, phần vì muốn đỡ đần vợ con.

Về Thái Bình, ông bà dọn ra ở riêng. Không biết làm ruộng nhưng là dân vùng biển nên ông Nhuận giỏi chài lưới. Mỗi chuyến biển đều đánh bắt được nhiều cá, từ những con cá vược nặng 5-7 kg, đến cá mú, cá bớp cỡ lớn. Bà Diễn vừa lo cấy cầy, vừa dạy học. Đồng lương giáo viên thời đó không cao, kinh tế miền Bắc thời bao cấp khó khăn, nhưng vợ chồng đủ lo cho ba con ăn học.

Để duy trì sức khoẻ, mỗi ngày vợ chồng ông Nhuận đều cùng nhau tập thể dục. Ảnh: Nguyễn Đông

Để duy trì sức khỏe, mỗi ngày vợ chồng ông Nhuận đều cùng nhau tập thể dục. Ảnh: Nguyễn Đông

Đến khi vợ chồng sinh con gái út năm 1977 thì người đàn ông từng giao ước với bà Diễn về làng. Hay tin bà đã lấy chồng, ông tìm đến thăm. Ông không trách chuyện bà lấy chồng, chỉ lo nếu về Đà Nẵng lại vất vả vì làm vợ lẽ. Bà Diễn quả quyết theo ông Nhuận để cùng nuôi các con khôn lớn. “Chiến tranh đã gây ra những giai đoạn éo le như thế”, ông Nhuận nói, cho biết hai người đàn ông sau đó nói chuyện vui vẻ vì “gạo đã thành cơm”.

Đến năm 1979, ông Nhuận đưa vợ con về Đà Nẵng. 10 năm sau ngày cưới, bà Diễn mới gặp mẹ chồng. Còn ông Nhuận đã xa nhà tròn 21 năm. Đà Nẵng khi đó còn hoang sơ. Vợ chồng mua mảnh đất ở khu gia binh Vùng 3 Hải quân gần bán đảo Sơn Trà. Bà Diễn những lúc không đi dạy học sẽ phụ chồng khai hoang đất rừng và bãi ngang để trồng cấy.

Khi các con đã trưởng thành, bà Diễn nghỉ nghề giáo viên để cùng chồng vui tuổi già. Hàng ngày, ông thức dậy lúc 4h20 để tập thể dục, đến động tác hai tay đập vào nhau phát ra âm thanh thì bà thức dậy, chuẩn bị ly nước nóng, vắt lát chanh tươi và pha 10 giọt mật ong cho ông uống. Mùa hè, họ dắt nhau ra biển đi dạo. Biết ông không thích ăn quán, bà ngày ba bữa đỏ lửa bếp.

Ở tuổi xưa nay hiếm, hai ông bà tâm sự niềm vui tuổi già là hàng ngày nhìn con cháu sống hiếu thuận và trưởng thành. Ngày Tết căn nhà nhỏ rộn tiếng cười nói của con, cháu, chắt. “Lần lượt con rể, con trai, cháu ngoại đều là lính Vùng 3 Hải quân. Con rể và cháu ngoại giờ là thuyền trưởng, ngang dọc trên vùng biển trước đây chồng tôi từng đi qua. Đó là niềm tự hào”, bà Diễn tự hào khoe.

Nguyễn Đông

[ad_2]

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here