[ad_1]
Nam PhiAnele Mudau, 44 tuổi ở thành phố Johannesburg, thường ngủ buổi chiều và dậy lúc 0h để vào Internet.
Anh thức đêm để theo học các khóa về tài chính, cũng như giúp đỡ hai đứa con làm bài tập. Thói quen này bắt nguồn từ yêu cầu kinh tế, khi anh muốn tận dụng giờ khuyến mãi của Vodacom. Trong đó, giá truy cập Internet từ 0h đến 5h chỉ bằng 40% so với ban ngày.
“Nó đang tàn phá cuộc sống gia đình và sức khỏe của tôi”, Mudau nói. Anh thường bị đau đầu vì lên mạng lúc nửa đêm.
Mudau chỉ là một trong hàng nghìn người dùng Internet ở Nam Phi không thể gánh nổi chi phí mạng băng thông rộng ban ngày, phải dùng những gói trả trước cho phép họ truy cập vào giờ thấp điểm. Các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu Nam Phi như MTN, Vodacom, Cell C và Telkom Mobile đều có những gói truy cập đêm với giá 1,47 USD/GB.
Tuy nhiên, thúc đẩy dùng Internet ban đêm có thể mang tới những hậu quả nghiêm trọng khó lường. Trộm cướp là một trong những loại tội phạm phổ biến nhất ở Nam Phi, phần lớn xảy ra ban đêm.
“Lướt web đêm có thể đánh động cho những tên cướp rằng gia đình này sở hữu router, laptop và tài sản giá trị”, Pela Xolile, người sáng lập Tembisa Better Streets Initiative, sáng kiến thúc đẩy Internet miễn phí tại Nam Phi, nêu quan điểm.
Tiến sĩ Stanley Samusodza, chuyên gia sức khỏe cộng đồng, cho rằng những gói truy cập mạng ban đêm khiến học sinh và người lao động trong các gia đình thu nhập thấp phải thức muộn, ảnh hưởng tới sức khỏe. “Nam Phi là một trong những nước có tỷ lệ béo phì tăng nhanh nhất thế giới. Thiếu ngủ cũng là nguyên nhân gây béo phì. Dùng Internet ban đêm không phù hợp”, ông nói.
Hơn một nửa dân số Nam Phi sở hữu smartphone, nhưng phần lớn không thể mua gói mạng thông thường. Người dùng Internet Nam Phi từng biểu tình trên mạng năm 2016 nhằm gây sức ép, buộc các doanh nghiệp hạ chi phí truy cập di động. Vodacom, một trong các mạng di động lớn ở nước này, nhượng bộ khi giảm 30%. Tuy nhiên, giá truy cập Internet ở đây vẫn đắt hơn đáng kể so với các nước láng giềng. Tại Zambia, cước sử dụng một GB có giá 1,31 USD, so với mức trung bình 2,67 USD ở Nam Phi.
Tiến sĩ Mitchell Cox, chuyên gia về Internet thuộc Đại học Witwatersrand tại Johannesburg, cho rằng gói mạng ban đêm là một phần vấn đề xã hội lớn ở Nam Phi. Những người như Mudau không có lựa chọn khác. Họ thấy mình giống công dân hạng hai vì không có đủ tài chính để dùng Internet ban ngày.
Thầy giáo Chenjerai Moyo đang dùng gói mạng dung lượng lớn để tài giáo trình và dạy môn địa lý qua WhatsApp cho 15 học sinh. Anh tải tài liệu vào ban đêm để tiết kiệm chi phí và dùng nó để dạy học vào ban ngày. “Thật mệt mỏi. Mắt tôi luôn díp lại”, anh cho hay.
Ngay cả người giàu cũng bắt đầu chuyển sang Internet đêm. Các đợt cắt điện luân phiên khiến nhiều hộ gia đình và văn phòng không thể làm gì vào ban ngày. Percy Mokgadji, công chức tại Boksburg, cách Johannesburg khoảng 30 km, nói: “Tôi đủ tiền mua mọi gói mạng, nhưng ngày càng tận dụng gói truy cập đêm, vì lúc đó mới có điện cho router Wi-Fi và tín hiệu cũng tốt hơn”.
Chính phủ Nam Phi đang thảo luận kế hoạch cung cấp 10 GB truy cập miễn phí mỗi tháng cho mỗi hộ gia đình, nhưng chi tiết về quá trình thực hiện chưa được công bố.
Nam Phí năm ngoái công bố Kế hoạch Cơ sở hạ tầng Quốc gia 2050 để tham vấn công chúng. Một mục tiêu then chốt là bảo đảm truy cập băng thông rộng miễn phí với tốc độ cao, cho phép mọi cộng đồng dân cư tiếp cận Internet trước năm 2025. Đợt đấu giá tần số vô tuyến trị giá gần một tỷ USD hồi năm 2022 cũng sẽ giúp mở rộng mạng lưới phủ sóng 5G và hạ giá thành. Một số dự án cộng đồng đang triển khai thử nghiệm kết nối các gia đình vào mạng Wi-Fi tốc độ cao, không giới hạn băng thông với giá 0,29 USD/ngày.
Dù vậy, vẫn còn nhiều người tỏ ra hoài nghi. “Thức đêm liên tục khiến tôi lo bọn trẻ ngủ quên trên lớp và kèm theo hàng loạt vấn đề. Chúng tôi nghe nhiều hứa hẹn của chính phủ về mạng Internet, nhưng không nghĩ họ có thể làm được”, Mudau nói.
Điệp Anh (theo Rest of World)
[ad_2]