[ad_1]
Nước thải đen kịt, hôi thối xé toang các bãi cát, chảy tràn ra biển ở các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và Thanh Khê, dù trời không mưa.
Sở Tài nguyên và Môi trường vừa phối hợp với Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (Sở Xây dựng Đà Nẵng) và các bên liên quan kiểm tra thực tế tại cửa xả ven biển trên toàn thành phố. Trên tuyến ven biển Nguyễn Tất Thành, đoàn kiểm tra ghi nhận cửa xả cuối đường Tôn Thất Đạm nước thải chảy ra biển; cửa xả đối diện số nhà 789 Nguyễn Tất Thành có nước tồn đọng.
Tại tuyến ven biển quận Sơn Trà, đoàn ghi nhận hai cửa xả phía bắc khu bãi tắm Mân Thái và cửa xả đối diện phía bắc Đại đội huấn luyện cơ động (Bộ đội Biên phòng) có nước thải chảy ra biển; hai cửa xả khác tồn đọng nước thải.
Tuyến ven biển Ngũ Hành Sơn có 3 cửa xả nước thải tràn ra biển gần một khu resort trên đường Trường Sa và đối diện Nguyễn Đức Thuận. Cửa xả phía nam một khu resort khác trên đường Võ Nguyên Giáp có nước tồn đọng.
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (đơn vị được Sở Xây dựng đặt hàng vận hành hệ thống thu gom, thoát nước trên địa bàn), đã cho công nhân dùng máy xúc san gạt, đắp đập cát tại nhiều cửa xả, không cho nước chảy ra biển.
Bà Nguyễn Thị Đức, Phó giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, giải thích hệ thống thoát nước của thành phố đầu tư từ năm 2007, thu gom nước thải với nước mưa. Sau hơn hai năm dịch, các khách sạn ven biển vắng khách. Gần đây du lịch phục hồi, các khách sạn hoạt động trở lại nên hệ thống thu gom nước thải ven biển lại quá tải, chảy tràn ra biển dù trời không mưa.
Công ty đã vận hành tối đa công suất các máy bơm ở cửa xả, nhưng do lưu lượng nước thải nhiều nên ở một số thời điểm đã tràn ra biển. Kịch bản ứng phó (đã được thành phố phê duyệt) là khi nước tràn ra biển thì làm đập cát che các cửa xả để giữ nước lại, sau đó bơm dần nước thải vào hệ thống thu gom.
Tuy nhiên, việc xử lý tạm thời này cũng gặp khó khăn. Tại cửa xả cuối đường Đông Kinh Nghĩa Thục giao Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà), do nước thải quá nhiều nên khi lấp cát đã chảy tràn ra bãi biển. Các công nhân sau đó phải vận hành máy bơm ngược nước thải vào hệ thống cống thu gom mới tiếp tục san gạt.
Còn tại cửa xả đối diện phía bắc Đại đội huấn luyện cơ động, do diện tích bãi cát bị xé toang quá lớn nên không thể san gạt hết, phải múc cát từ nơi này gạt sang nơi khác, dễ tạo thành hố sâu.
Năm 2019, UBND TP Đà Nẵng đã đầu tư hai dự án xử lý nước thải ven biển Đà Nẵng, gồm dự án cải thiện môi trường phía Đông (quận Sơn Trà), với tổng vốn đầu tư hơn 1.440 tỷ đồng và dự án xây dựng các công trình thoát nước ven quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, với kinh phí 2.450 tỷ đồng.
Các dự án này đã được triển khai, nhiều tuyến đường ven biển có thời điểm phải lập rào chắn, phân luồng giao thông. Bà Đức cho biết đến nay dự án chưa hoàn thành, công ty đang chờ nhận bàn giao để khớp nối với hệ thống thu gom nước thải hiện hữu.
“Hiện nay công ty chỉ có thể vận hành tối đa trạm bơm để xử lý nước thải ven biển, lắp đặt cụm sục khí tại một số cửa xả có nước thải tồn động để hạn chế mùi hôi. Chỉ khi hai dự án trên đi vào vận hành mới giải quyết được bài toàn nước thải tràn qua các cửa xả ra biển”, bà Đức nói.
Ông Lê Văn Dũng, Phó ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cho biết đã yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, đánh giá tình trạng, nguyên nhân sự việc. “Cách xử lý hiện nay của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải là khắc phục sự cố, vì bình thường nước thải không thể tràn ra biển như thế được”, ông Dũng nói.
[ad_2]