[ad_1]
Hai năm qua, anh Nguyễn Hà Minh Trị, 44 tuổi, cùng thành viên trong nhóm lặn đến các vùng biển Nha Trang, Ninh Thuận ươm trồng, phát triển san hô.
Sáng đầu tháng 11, anh Trị (ngụ xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang) chuẩn bị đồ lặn, chất các thiết bị chuyên dụng lên xe bán tải, cùng cộng sự đi gần 100 km đến vịnh Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận) kiểm tra khu vực vườn ươm san hô trước đó hơn ba tháng. Sau hơn hai giờ, nhóm tới vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận), lên canô đến vùng ươm cách bờ khoảng 700 m.
Tới nơi, anh Trị cùng một cộng sự đeo kính lặn và chân nhái nhảy xuống làn nước sâu kiểm tra san hô đã ươm trồng. Dưới đáy biển, những giàn treo ươm trồng dài hơn 3 m, mỗi giàn gồm 6 tầng san hô. Nhóm bắt đầu kiểm tra những giàn dây cố định san hô, dùng cọ mềm quạt nhẹ dọn sạch chất bẩn bám trên các nhánh, xử lý những chỗ hư hỏng.
“San hô dịp này phát triển rất tốt. Chỉ khoảng 5% cây chết do tảo biển, phù du bao phủ khiến san hô không quang hợp được”, anh Trị nói. Khi công việc kiểm tra xong xuôi, cả nhóm trở về TP Nha Trang.
Hơn 23 năm làm nghề huấn luyện viên lặn, anh Trị chứng kiến sự suy giảm của các rạn san hô ở các vùng biển Việt Nam do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự tàn phá của con người. Từng được đào tạo bài bản về chăm sóc san hô, năm 2020 anh cùng một số người bạn đưa ra ý tưởng lập nhóm ươm trồng, tái tạo loại động vật này, giúp ích cho hệ sinh thái biển.
Ý tưởng được nhiều bạn bè anh Trị hưởng ứng, họ chung tay lập quỹ để có chi phí thực hiện nuôi cấy san hô. Đến nay, số lượng thành viên hiện lên tới gần 5.000 người, trải dài nhiều tỉnh thành. Mỗi vùng có một trưởng nhóm riêng, hỗ trợ nhau trong việc ươm trồng.
Ban đầu, nhóm thử nghiệm cấy san hô tại biển Nha Trang bằng phương pháp dán san hô lên đá và các tảng san hô chết bằng chất kết dính. Sau 6 tháng, những nhánh san hô này phát triển khỏe mạnh. Hiện, những mầm san hô được trồng ở biển thuộc vịnh Nha Trang dài hơn 3 cm, rễ đã bám chắc vào phần đế.
Không chỉ trồng ở biển Nha Trang, nhóm còn trồng san hô lên giàn giá treo theo mô hình vườn ươm tại vùng vịnh Vĩnh Hy và mũi Dinh ở tỉnh Ninh Thuận. Sau vài tháng, 80% san hô được ươm nhú mầm non khoảng 2-3 cm, phát triển rất tốt. 20% còn lại bị rêu bám nên hơi yếu do thiếu ánh sáng.
Mỗi lần đi ươm trồng san hô, anh Trị chọn ra 50 người, chia tổ đảm nhận từng công việc như nấu ăn, khiêng vác, lấy mẫu san hô, nhóm lặn bình, nhóm lặn tự do. Để bảo đảm an toàn, chỉ những người có bằng lặn quốc tế mới được xuống nước ở độ sâu 8 m ươm trồng san hô. Nhiệm vụ của nhóm là thả giàn treo trồng các nhánh san hô, cố định vào vị trí tốt nhất để cây phát triển lâu dài.
Ngoài ra, nhóm sẽ lặn xuống tìm những bụi san hô tự nhiên khoẻ mạnh, chiết một số nhánh dài vài cm, đưa về ghép lên giá đỡ bằng nhựa PVC, nuôi trong thời gian 3-5 năm. Những nhành phát triển tốt sẽ được đem đến thay thế san hô bị chết. Để san hô sinh trưởng tốt, cứ vài tháng các thành viên trong nhóm sẽ lặn xuống biển kiểm tra, vệ sinh môi trường xung quanh.
Theo các thành viên trong nhóm, biển tại Khánh Hòa và Ninh Thuận nước trong, sạch và có nhiều bãi san hô giá trị. Song còn nhiều ngư dân chưa ý thức bảo vệ môi trường nên dùng chất nổ và khí độc tại các rạn san hô, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sinh thái, trong đó có san hô. Nhiều bãi san hô bị lưới đánh cá do ngư dân vứt bỏ bao phủ dẫn tới hư hại, không thể phát triển.
“San hô phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ cao 1-3 cm, vùng biển nước sạch có thể phát triển nhanh hơn. Vì vậy bên cạnh việc ươm trồng, người dân cần có ý thức giữ gìn môi trường biển”, anh Minh Trị nói. Anh cho biết san hô là động vật nhạy cảm với môi trường nên địa điểm đặt vườn ươm phải bảo đảm nước sạch, đặt ở nơi không quá sâu, tránh xa những tác động của con người.
Người sáng lập nhóm ươm trồng san hô cho biết thêm đang thử nghiệm dùng loại xi măng trộn keo (không gây ô nhiễm môi trường, giá thành rẻ) để gắn một số nhánh san hô lên các bãi đá gần bờ. Tại khu vực vịnh Vĩnh Hy, nhóm dự tính uơm san hô số lượng lớn để đưa đến những khu vực san hô bị suy yếu để tái tạo.
Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận), cho biết cách ươm trồng san hô do nhóm anh Trị thực hiện là ý tưởng tốt, góp phần tái tạo rạn san hô, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường biển cho cộng đồng. Tuy nhiên mô hình còn mới nên cần thời gian để đánh giá kết quả trước khi nhân rộng.
Bùi Toàn
[ad_2]