Những người bỗng dưng biến mất ở Nhật

Date:

Bạn quan tâm

[ad_1]

Nhật Bản mỗi năm ghi nhận hàng nghìn jouhatsu, những người đột nhiên “bốc hơi” không để lại dấu vết, cắt đứt mọi liên lạc xã hội.

Tại thành phố cảng Osaka của Nhật Bản, khu ổ chuột Kamagasaki, còn được gọi là Airin Chiku, nổi tiếng là nơi ẩn náu của những người không muốn ai tìm thấy mình. Tại đây, những người mới đến có thể thuê nhà với giá rất rẻ, kiếm sống bằng những công việc lao động chân tay.

Khu ổ chuột này được coi là thiên đường của các “jouhatsu”, nghĩa là những người “bốc hơi, biến mất không dấu vết” trong tiếng Nhật. Thuật ngữ xuất hiện từ những năm 1960, khi nhiều người chọn biến mất để bỏ vợ hoặc chồng nhanh chóng và dễ dàng, thay vì phải trải qua các thủ tục ly hôn phức tạp.

Qua thời gian, ngày càng nhiều người chọn “bốc hơi” ở những khu vực như Kamagasaki, nơi họ có thể đổi tên họ, cắt mọi liên lạc với gia đình và bạn bè, biến mất khỏi cuộc sống cũ theo đúng nghĩa đen để bắt đầu cuộc đời mới.

Nhà xã hội học Hiroki Nakamori nói với BBC rằng vì người Nhật rất coi trọng quyền riêng tư, các “jouhatsu” có thể sống náu mình hoàn toàn mà không ai phát hiện được. Khi gia đình trình báo có người mất tích, cảnh sát sẽ không cung cấp cho họ bất kỳ thông tin nào.

“Cảnh sát sẽ không can thiệp trừ khi có lý do khác, như người mất tích phạm tội hay tai nạn”, Nakamori nói. “Tất cả những gì người thân có thể làm là trả thật nhiều tiền thuê thám tử tư, hoặc chờ đợi”.

Một người “bốc hơi” như vậy là Masashi Tanaka, 49 tuổi, người quyết định biến mất sau thời gian thụ án tù vì tội ma túy. Ông kể rằng sau khi vào tù, mẹ ông nói: “Mẹ coi con như đã chết rồi, đừng viết thư cho mẹ nữa”. Không lâu sau khi ra tù, Tanaka đến khu ổ chuột Kamagasaki và sống một mình.

Trong báo cáo thường niên công bố tháng 6/2023, cảnh sát Nhật Bản cho hay gần 85.000 người Nhật mất tích vào năm 2022. Trong 10 năm trước đó, Nhật ghi nhận trung bình 83.283 người mất tích mỗi năm, trong đó số lượng đàn ông luôn cao hơn phụ nữ.

Rất nhiều người mất tích ở Nhật chọn cố tình “bốc hơi”, không để ai biết. Nhiều trường hợp liên quan đến chuẩn mực văn hóa, vai trò giới, kỳ vọng xã hội.

Đám đông tại một giao lộ ở Shibuya, Tokyo, thủ đô Nhật Bản, tháng 4/2023. Ảnh: AFP

Đám đông tại một giao lộ ở Shibuya, Tokyo, thủ đô Nhật Bản, tháng 4/2023. Ảnh: AFP

Cách đây 40 năm, khi Kazuko Yamamoto đang học năm cuối đại học, bố dượng của cô đã âm thầm bán nhà, xe. Trong đêm, gia đình chất đồ đạc lên xe tải, nói với hàng xóm rằng Yamamoto sẽ chuyển tới một căn hộ gần trường.

Nhưng không chỉ Yamamoto chuyển đi, cả gia đình đã lặng lẽ biến mất trong đêm. Bố dượng đã dẫn cô cùng ông và mẹ bí mật chuyển đến nơi ở mới tại khu vực khác trong thành phố.

Nhiều người biến mất vì nợ nần, trốn khỏi tay yakuza, có người lại muốn cắt quan hệ với gia đình do bị người nhà chì chiết, lạm dụng. Sugimoto, 42 tuổi, đột ngột rời thị trấn quê nhà trước áp lực tiếp quản công việc kinh doanh gia đình. Anh tới Tokyo thuê căn hộ tại khu nhà được điều hành bởi Saita, một phụ nữ cũng biến mất cách đây 17 năm để thoát khỏi người chồng bạo hành.

Cũng có người chọn “biến mất” vì trượt một kỳ thi, mất việc, gặp rắc rối tài chính, những điều cho thấy mặt trái trong văn hóa làm việc của người Nhật, khét tiếng với hiện tượng “karoshi” – tử vong do làm việc quá sức. Theo Perspective, hiện tượng này phản ánh cảm giác xấu hổ mạnh mẽ của người Nhật khi không đạt kỳ vọng cao từ xã hội.

Bố dượng của Yamamoto từng điều hành một công ty kiến trúc ăn nên làm ra, nhưng rồi vỡ nợ do bảo lãnh giấy nợ cho một người họ hàng.

“Ông ấy quyết định nộp đơn xin phá sản công ty và bỏ đi cùng cả nhà, không ai biết chúng tôi ở đâu”, Yamamoto kể, cho hay có thời điểm các chủ nợ còn tìm đến trường cô để đòi nợ bố dượng.

Nhu cầu “biến mất” như vậy dẫn tới sự xuất hiện của các dịch vụ chuyển nhà ban đêm, đặc biệt nở rộ khi bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ vào những năm 1990. Một công ty chuyển nhà ban đêm cho hay giá dịch vụ khoảng 300-2.000 USD tùy vào thời điểm và khoảng cách. Giá chuyển nhà sẽ cao hơn nếu khách hàng đi cùng trẻ em hoặc trốn nợ.

“Ban đầu, tôi nghĩ khó khăn tài chính là nguyên nhân duy nhất khiến người ta biến mất, nhưng sau này phát hiện ra rằng còn nhiều lý do xã hội. Những gì chúng tôi làm là hỗ trợ mọi người bắt đầu cuộc sống thứ hai”, Sho Hatori, người điều hành một công ty chuyển nhà phục vụ các “jouhatsu”, nói.

Người đi bộ ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 1/10/2022. Ảnh: AFP

Người đi bộ ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 1/10/2022. Ảnh: AFP

Paul O’Shea, nhà nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Lund, Thụy Điển, nhận định nhiều người Nhật luôn có cảm giác bị kỳ thị khi “không thể tự lo cho bản thân”.

Các nhà quan sát thậm chí cho rằng chính phủ Nhật sử dụng tâm lý này như một chiến thuật để tiết kiệm ngân sách an sinh xã hội, bởi trước khi xem xét đơn xin trợ cấp, giới chức sẽ tiếp cận gia đình người nộp đơn để hỏi liệu họ có thể tiếp tục hỗ trợ về kinh tế hay tinh thần cho người này hay không.

“Phải sống dựa vào trợ cấp ở Nhật Bản bị xem là thất bại, vô cùng nhục nhã”, chuyên gia Paul giải thích. Điều này thúc đẩy nhiều người tìm đến biện pháp “bốc hơi” để giải tỏa áp lực.

Theo ông, quan niệm về vai trò giới tính truyền thống trong xã hội có thể là nguyên nhân thúc đẩy nỗi kỳ thị này. Dù xã hội Nhật đang dần thay đổi, nhưng đàn ông luôn được coi là trụ cột gia đình và phải đảm bảo chu cấp cho các thành viên trong nhà.

“Nhiều nam giới Nhật làm những công việc lương thấp, không ổn định, không đáp ứng được kỳ vọng chăm lo cho gia đình”, ông Paul nói, cho biết đây có thể là lý do số nam giới biến mất thường cao hơn phụ nữ.

Người đi bộ tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, tháng 2/2023. Ảnh: AFP

Người đi bộ tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, tháng 2/2023. Ảnh: AFP

Trong khi nhiều “jouhatsu” không bao giờ được tìm thấy, gia đình Yamamoto cuối cùng bị chính quyền phát hiện sau khi bố dượng cô yêu cầu giới chức địa phương không công khai địa chỉ gia đình. Bố dượng Yamamoto bị xử phạt và tước quyền bầu cử trong hai năm.

Người đàn ông này cuối cùng đã trả xong nợ, dù hiện họ hàng, bạn bè, láng giềng vẫn không biết tung tích của ông ở đâu. “Chúng tôi đã bốc hơi, nhưng không ai mới tiếp xúc với gia đình biết điều đó. Đối với họ, chúng tôi chỉ là một gia đình bình thường, chuyển đến sống cạnh nhà”, Yamamoto nói.

Nhưng đối với nhiều người có thân nhân biến mất, quá trình tìm kiếm rất mệt mọi và đau khổ.

“Tôi bị sốc kể từ khi con trai 22 tuổi bỏ đi và cắt mọi liên lạc. Nó biến mất sau hai lần bỏ việc, chắc hẳn cảm thấy xấu hổ vì thất bại của mình. Cảnh sát nói chỉ can thiệp nếu họ nghi ngờ thằng bé tự sát, nhưng con tôi không để lại bất cứ tin nhắn nào”, một phụ nữ giấu tên nói. “Với luật hiện tại, tất cả những gì tôi có thể làm là chờ xem liệu con trai đã chết hay chưa”.

Đức Trung (Theo Perspective, BBC, TIME)


[ad_2]

Xem nhiều