Home Tài chính quốc tế Người nước ngoài sốc, tò mò với thịt chó ở Việt Nam

Người nước ngoài sốc, tò mò với thịt chó ở Việt Nam

0
Người nước ngoài sốc, tò mò với thịt chó ở Việt Nam

[ad_1]

Khi tản bộ qua khu chợ ở Thảo Điền, TP. HCM nhiều năm trước, bà Homfary, người Australia, giật mình trước một quầy thịt “kỳ lạ”.

“Lúc đó tôi không chắc mình đang chứng kiến những gì, nhưng khi nhận ra món bày bán trên quầy là những con chó thui, tôi không thể ngừng run, vừa đi bộ về nhà vừa khóc”, Elizabeth Homfray, người từng có 10 năm làm việc trong lĩnh vực cứu hộ vật nuôi ở Australia trước khi đến Việt Nam, kể với VnExpress.

Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam cũng sốc trước chuyện ăn thịt chó. Ông Leopold Vincent, người Pháp đến Việt Nam 25 năm trước, nhớ lại lần đầu biết đến “văn hóa thịt chó mèo” là qua lời kể từ một người quen Việt Nam.

“Nhà anh ấy nuôi chó, nhưng vẫn dẫn vợ con đến quán thịt chó hàng tuần. Dù chỉ nghe kể, tôi vẫn không khỏi bị sốc nặng, mất ngủ ba đêm sau đó”, ông nhớ lại.





Một nhà hàng thịt chó ở Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Đức Trung

Một nhà hàng thịt chó ở Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Đức Trung

Thống kê của các tổ chức phúc lợi động vật quốc tế cho thấy trung bình hàng năm có khoảng 5 triệu con chó và một triệu con mèo bị buôn bán, giết thịt tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt chó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như xoắn khuẩn, tả.

Nhưng không phải người nước ngoài nào cũng bất ngờ trước thói quen ăn uống này. Chuyển đến Việt Nam sau 5 năm định cư tại Thâm Quyến, Lucas, quốc tịch Đức, rất tò mò về mùi vị của món thịt chó, nên quyết định vào một diễn đàn cho người nước ngoài hỏi địa chỉ quán ngon ở Hà Nội.

“Tôi yêu chó và từng nuôi 4 con chó, nhưng không cho rằng ăn thịt chó là sai trái. Sẽ là đạo đức giả nếu bạn nói rằng ăn thịt chó là xấu nhưng vẫn tiếp tục sử dụng thịt gà, lợn”, Lucas, 35 tuổi, nói.

Đây cũng là quan điểm gây nhiều tranh cãi về vấn đề ăn thịt chó ở Việt Nam. Báo cáo tình hình Tiêu thụ thịt chó mèo năm 2021 của tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws cho thấy 88% người Việt ủng hộ cấm nạn buôn bán thịt chó mèo.

Trong khi đó, nhiều người Việt ủng hộ ăn thịt chó, cho rằng đây là món ăn truyền thống, “đặc sản” có từ xưa, tương tự một số quốc gia Đông Á, trong đó có Hàn Quốc.

Kyung-seok, 27 tuổi, người Hàn Quốc làm việc tại một tập đoàn ở Việt Nam, cho hay người Hàn ăn thịt chó, nhưng không coi đây là món ăn truyền thống hay đặc sản, mà chỉ là thực phẩm từng giúp họ vượt qua thời kỳ khó khăn, đói kém.

Trên thực tế, tiêu thụ thịt chó ở Hàn Quốc đã giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây, trong bối cảnh nhiều người nước này coi ăn thịt chó là “nỗi hổ thẹn” với quốc tế.

Nhiều người nước ngoài sống ở Việt Nam cho rằng ăn món gì là quyền tự do của mỗi người, nhưng cần nhìn nhận vấn đề này ở góc độ sâu hơn, khi thói quen ăn thịt chó có liên quan đến vấn nạn trộm chó để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Khi bàn luận về vấn đề ăn thịt chó với người Việt, tôi cũng không đề cập đến khía cạnh đạo đức hay khẩu hiệu như ‘chó là bạn’, mà chỉ nói rằng họ có thể đang tiếp tay cho các nhóm trộm chó, những kẻ kiếm tiền từ thú nuôi của người khác”, bà Homfray nói.





Một tình nguyện viên của Laws For Paws chuyên cưu mang chó cơ nhỡ ở TP. HCM. Ảnh: Elizabeth Homfray

Một tình nguyện viên của Laws For Paws chuyên cưu mang chó cơ nhỡ ở TP. HCM. Ảnh: Elizabeth Homfray

Chứng kiến tình trạng nhiều chó mèo bị bắt trộm và bán vào lò mổ, ông Vincent quyết định từ bỏ hoạt động kinh doanh đang theo đuổi ở Việt Nam để tham gia vào nỗ lực cứu hộ, giúp đỡ động vật.

Ông bắt đầu giải cứu chó mèo từ năm 2010, nhưng không nhận được ủng hộ của vợ người Việt. Hôn nhân tan vỡ, ông phiêu bạt khắp nơi, gia nhập nhiều nhóm hỗ trợ động vật, cho đến khi một tổ chức Canada liên lạc và đề nghị giúp đỡ. Tổ chức này mua một mảnh đất ở Đồng Nai, xây nhà tình thương cho chó mèo. Hiện người đàn ông Pháp 59 tuổi sống một mình cùng hơn 350 con chó mèo cơ nhỡ tại đây.

“Nhiều thanh niên liên lạc với tôi nhờ giữ hộ thú cưng của vì gia đình muốn ăn thịt con vật. Gần đây, một học sinh từng gọi tôi khóc nức nở, kể rằng bố mẹ đã bán thú cưng khi em ấy đang ở trường”, ông Vincent kể.

Nhiều năm sau ngày “ám ảnh” vì quầy thịt chó, bà Homfray cũng sáng lập tổ chức Laws For Paws, trụ sở Thảo Điền, TP. HCM, chuyên giải cứu, hồi phục những con chó bị hành hạ, bỏ rơi hoặc đang cần chăm sóc y tế.

Bà nói rằng nỗ lực bảo vệ, nhận nuôi chó mèo những năm qua của nhiều thanh niên Việt Nam là một phần nguyên nhân khiến người Việt dần quay lưng với thịt chó. Tuy nhiên, bà cho hay hàng quán thịt chó vẫn xuất hiện nhiều ở khu vực ngoại ô.

Ông Vincent cũng nhấn mạnh thịt chó vẫn là món quen thuộc tại vùng nông thôn Việt Nam. Hàng xóm của ông ở Đồng Nai vẫn thường giết chó ăn thịt hoặc bán cho các tiểu thương. Ông cũng từng bị mất trộm hai con chó.

Đây là lý do ông xây tường cao, làm rào thép gai ở khu nhà tình thương cho chó mèo ở Đồng Nai. “Tôi muốn đảm bảo không ai có thể đánh cắp hoặc làm hại chúng”, ông nói.

Người đàn ông Pháp cứu hộ chó mèo ở Việt Nam

Ông Vincent Leopold chia sẻ về nhà tình thương cho chó mèo ở Đồng Nai hồi năm 2019. Video: Minh Nhật

Tuy nhiên, Kyung-seok cho rằng việc vấn đề thịt chó thuộc về “quan niệm thế hệ”, khó thay đổi trong một sớm một chiều.

Hàn Quốc từng thất bại trong các chiến dịch vận động, tuyên truyền người dân không ăn thịt chó. Trước Thế vận hội mùa đông 2018, chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu 12 nhà hàng bán thịt chó ở khu vực Pyeongchang đóng cửa trong thời gian diễn ra sự kiện, song các cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động để phục vụ nhu cầu.

Nhưng theo thời gian, hầu hết người trẻ Hàn Quốc không còn ăn thịt chó. Theo một khảo sát năm 2020, 84% người trẻ chưa từng ăn thịt chó và cũng không có ý định ăn trong tương lai. Tỷ lệ người Hàn ủng hộ cấm thịt chó cũng tăng từ 34,7% lên 58,6% kể từ 2017 đến 2020.

“Quan hệ của người dân với loài động vật này đã phát triển sâu sắc. Người Hàn đến Việt Nam cũng không ai tìm ăn thịt chó cả”, Kyung-seok nói, cho hay món ăn này ở Hàn Quốc hiện được gọi là Bosingtan trong thực đơn, dịch ra là “canh bổ”, không gọi thẳng là “thịt chó”.

“Người Hàn Quốc trước đây quan niệm thịt chó là món ăn bổ dưỡng. Ngày nay, họ có thể dùng nhiều món bổ dưỡng khác có vị tương tự mà không cần phải dùng đến thịt chó, tương tự món giả cầy ở Việt Nam”, anh cho hay.

Trong khi đó, sau khi hứng chịu nhiều chỉ trích trên diễn đàn vì bài đăng hỏi địa chỉ quán thịt chó, Lucas vẫn quyết tâm tìm đến một cơ sở ở Mỹ Đình hồi tháng 3. Nhưng lúc đến nơi, nhìn thấy 4-5 con chó thui “nhe răng trắng ởn” treo lủng lẳng trước quầy, Lucas đã không dám bước vào, khi liên tưởng đến những câu chuyện trộm chó tiêu thụ ở Việt Nam.

“Tôi chỉ ngồi trong quán cà phê, nhìn quán thịt chó từ xa, dù vẫn rất tò mò với hương vị của món ăn này. Có lẽ tôi sẽ thử món giả cầy”, thanh niên người Đức nói.

Đức Trung


[ad_2]

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here