Đề nghị bỏ quy định thu hồi đất làm dự án đô thị, nhà ở thương mại

Date:

Bạn quan tâm

[ad_1]

Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định thu hồi đất để làm dự án đô thị, nhà ở thương mại vì cho rằng đây là hoạt động kinh tế đơn thuần.

Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo bản tổng hợp ý kiến ngày 11/11, có 228 lượt đại biểu Quốc hội góp ý về dự luật này. Trong đó, có nhiều ý kiến đại biểu không đồng tình việc Nhà nước thu hồi đất cho các dự án nhà ở thương mại, dự án đô thị. Đây là đề xuất mà Chính phủ mới bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này.

Lý do, các đại biểu cho rằng đây là hoạt động kinh tế đơn thuần do chủ đầu tư (các doanh nghiệp bất động sản) thực hiện. Nhà nước tham gia vào quá trình thu hồi đất để chuyển giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án có thể làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện của người sử dụng đất.

Khu đô thị thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, tháng 8/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Khu đô thị thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, tháng 8/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc trường hợp thu hồi đất không phải đất ở để làm dự án nhà ở thương mại nhằm tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Thay vào đó, trường hợp này nên để doanh nghiệp tự thoả thuận với người có đất thu hồi, nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, cũng như Nghị quyết 18 của Trung ương.

Trường hợp nếu một phần hộ dân không đồng tình việc thu hồi, cần bổ sung quy định Nhà nước phải can thiệp, bởi nếu không các doanh nghiệp không thể thực hiện được các dự án đô thị.

Bên cạnh đó, theo các đại biểu, dự luật cần quy định chủ đầu tư phải thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất theo hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, nếu diện tích đất đó phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Về giá đất, dự luật sửa đổi bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định giá phù hợp với mức phổ biến trên thị trường. Đồng tình giá theo thị trường sẽ hạn chế và khắc phục tình trạng “hai giá đất” tồn tại lâu nay, song nhiều đại biểu băn khoăn nguyên tắc và phương pháp định giá đất.

Theo các đại biểu, giá thị trường là khái niệm tương đối, phụ thuộc nhiều vào biến số thời gian, địa điểm, thông tin, tình hình thị trường… ảnh hưởng đến việc xác định giá trị giao dịch phù hợp, hay giá thoả thuận của các bên.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần làm rõ giá đất phù hợp với thị trường là giá nào, vì giá quyền sử dụng đất hiện có nhiều loại như giá đấu giá, mua bán giữa người dân và tổ chức…

“Việc xác định giá đất sát thị trường là rất khó khăn, phải có cơ quan hoặc có hệ thống thông tin cập nhật, lực lượng có năng lực thực hiện. Mặt khác, giá đất sát thị trường mà lại mở rộng diện Nhà nước thu hồi đất thì Nhà nước sẽ sử dụng nguồn lực nào để thực hiện bồi thường”, đại biểu băn khoăn.

Hiện có 5 phương pháp định giá đất (so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất), đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá và luật hoá vào dự thảo luật phương pháp định giá đất, trường hợp áp dụng cụ thể.

Thẩm tra dự luật Đất đai (sửa đổi), Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ quy định rõ phương pháp định giá đất, trường hợp áp dụng cụ thể để đảm bảo công khai, minh bạch trong định giá đất.

“Có thể áp dụng nhiều phương pháp xác định, thẩm định giá đất khác nhau nhưng phải chọn phương án có kết quả cao nhất để không làm thất thoát ngân sách”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Giải trình tại tổ về phương pháp định giá đất, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho biết dự luật sửa đổi hướng tới xây dựng phương pháp định giá đất mới theo vùng giá trị. Ông cho rằng, thế giới đã làm được và Việt Nam cũng có thể khi có bản đồ địa chính số, thiết lập được mạng lưới thu thập thông tin giá đất hàng ngày.

Nếu thu thập được dữ liệu, Bộ trưởng cho rằng sau 5 năm có thể xây dựng được bản đồ giá đất. Sau đó, hội đồng định giá, cơ quan tư vấn nhưng sẽ dùng phần mềm do Bộ Tài nguyên & Môi trường và chuyên gia xây dựng.

Dự luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến qua 3 kỳ họp. Theo chương trình kỳ họp 4, Quốc hội sẽ thảo luận tại nghị trường ngày 14/11.

Anh Minh

[ad_2]

Xem nhiều