[ad_1]
Ông Lê Thanh Vân đề xuất trưởng ban soạn thảo dự án luật là người ngoài ngành để tránh cài cắm lợi ích, kiểm soát quyền lực ngay từ khâu lập pháp.
Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình năm 2023.
Ông Lê Thanh Vân (thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, đại biểu đoàn Cà Mau) cho rằng quá trình xây dựng luật còn một số bất cập, trong đó có tình trạng kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ, quá trình xây dựng chương trình luật còn cài cắm lợi ích.
“Hiện nay ban soạn thảo là người của chính cơ quan đề xuất dự thảo luật nên cách nhìn không khách quan. Cơ cấu ban soạn thảo cần thay đổi theo hướng có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, cơ quan chuyên môn và diện trực tiếp chịu điều chỉnh”, ông Vân nói, cho rằng việc này thể hiện sự cầu thị trong phản biện xã hội.
Đại biểu tỉnh Cà Mau kiến nghị sớm khôi phục việc xây dựng chương trình luật, pháp lệnh cho toàn khóa, bám vào nội dung nghị quyết đại hội đảng các khóa để xác định chính sách lập pháp và thứ tự ưu tiên hàng năm. Việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm cần hạn chế ở mức thấp nhất vì thay đổi liên tục thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa.
“Điều chỉnh thường xuyên không khác gì người lái ôtô cứ thỉnh thoảng lại đỗ lại sửa xe, như vậy làm sao đi thông suốt. Việc thay đổi thường xuyên cũng khiến kiến nghị lập pháp không chín muồi, dễ bị lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ và chất lượng các đạo luật chưa cao”, ông nói, thêm rằng không nên để tình trạng đạo luật bị Quốc hội khóa trước bác, đến Quốc hội khóa mới được khởi động lại.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường), cho biết thời gian qua, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 11 nghị quyết điều chỉnh chương trình. Điều này thể hiện sự đồng hành quyết liệt của Quốc hội với Chính phủ, nhưng “cũng bộc lộ tính dự báo chưa cao”.
Trong khi đó, một số luật quan trọng, gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn lại chậm được rà soát để sửa đổi toàn diện nên phải xây dựng luật sửa đổi bổ sung trong thời gian ngắn hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết. Việc này dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thiếu ổn định của hệ thống pháp luật, đơn cử như Luật Ngân sách nhà nước, Đầu tư, Đầu tư công.
Bà Kim Anh đề xuất khi cơ quan của Chính phủ đề xuất sửa đổi luật hoặc đề xuất bổ sung dự thảo luật vào chương trình lập pháp, cần làm rõ sự cần thiết, tác động. “Trách nhiệm sàng lọc thuộc về Bộ Tư pháp, Chính phủ, các cơ quan đề xuất”, bà nói.
Nữ đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường kỷ cương, yêu cầu cơ quan soạn thảo tuân thủ nghiêm quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tinh thần là Chính phủ và cơ quan của Quốc hội “kiên quyết không đưa vào chương trình dự án luật chưa chuẩn bị kỹ, chưa đủ điều kiện, chưa rõ chính sách cơ bản và phạm vi điều chỉnh”.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cũng đánh giá hệ thống pháp luật hiện nay chưa thực sự đồng bộ, hoàn chỉnh; vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn; quy định có tính khả thi không cao, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.
Đáng lưu ý là trong các văn bản pháp luật còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà phải ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, việc ban hành các văn bản này thường rất chậm, không kịp thời đi vào đời sống, tồn tại nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau.
Đại biểu Huy đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn xây dựng chính sách, pháp luật, hình thành rõ cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật; chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình.
Sơn Hà – Viết Tuân
[ad_2]