Home Tài chính quốc tế Cảnh khốn cùng của dân thường ở Nagorno-Karabakh

Cảnh khốn cùng của dân thường ở Nagorno-Karabakh

0
Cảnh khốn cùng của dân thường ở Nagorno-Karabakh

[ad_1]

Khi chính quyền ly khai đầu hàng Azerbaijan, 120.000 dân gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh sống trong cảnh hoang mang, bế tắc, với nhu yếu phẩm dần cạn kiệt.

Anna đã sống sót sau 9 tháng vùng ly khai Nagorno-Karabakh bị quân đội Azerbaijan phong tỏa, ngăn chặn gần như mọi nguồn tiếp tế nhu yếu phẩm từ Armenia. Binh sĩ Azerbaijan dựng chốt kiểm soát dọc hành lang Lachin, tuyến hậu cần huyết mạch của vùng ly khai, khiến 120.000 dân gốc Armenia ở đây gặp vô vàn thiếu thốn trong cuộc sống.

Đến ngày 19/9, quân đội Azerbaijan bất ngờ mở chiến dịch “chống khủng bố”, tấn công phe ly khai ở Nagorno-Karabakh. Giao tranh dữ dội khiến Anna phải ẩn náu trong tầng hầm suốt nhiều ngày, dù phe ly khai đã chấp nhận đầu hàng, giải giáp lực lượng từ 20/9.

Giờ đây, khi tiếng súng đã lắng xuống, cuộc sống mỗi ngày tại quê hương cô ở Nagorno-Karabakh vẫn là một cuộc đấu tranh sinh tồn. Người dân thiếu hụt gần như tất cả hàng hóa thiết yếu. Nhiều gia đình phải ngủ ngoài đường hoặc tranh giành thức ăn với nhau, sau khi rời bỏ các ngôi làng.





Cụ già và hai em nhỏ người Armenia tập trung tại một địa điểm ở thành phố Stepanakert để chuẩn bị rời khỏi Nagorno-Karabakh hôm 25/9. Ảnh: Reuters

Cụ già và hai em nhỏ người Armenia tập trung tại một địa điểm ở thành phố Stepanakert để chuẩn bị rời khỏi Nagorno-Karabakh hôm 25/9. Ảnh: Reuters

Chiến dịch quân sự của Azerbaijan sẽ đưa vùng Nagorno-Karabakh trở về dưới kiểm soát của Baku sau gần ba thập kỷ lực lượng ly khai được Armenia hỗ trợ biến nơi này thành khu tự trị mang tên Cộng hòa Artsakh.

Azerbaijan nhấn mạnh sẽ đảm bảo quyền lợi cho người dân ở Nagorno-Karabakh, bác bỏ các cáo buộc về kế hoạch “thanh lọc sắc tộc”, khẳng định muốn quá trình Nagorno-Karabakh sáp nhập vào lãnh thổ diễn ra suôn sẻ.

Dù vậy, nỗi lo sợ vẫn ám ảnh tâm trí Anna và rất nhiều dân thường gốc Armenia đã sinh sống lâu đời tại Nagorno-Karabakh, vùng đất chưa từng bình yên suốt ba thập kỷ xung đột.

Tại các thị trấn, làng mạc, người Armenia chật vật tìm kiếm thân nhân giữa cơn biến loạn, khi mạng điện thoại gần như đã sập. Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất lúc này là điều gì sẽ xảy ra nếu họ không rời đi và binh lính Azerbaijan xông vào nhà.

“Tôi là một người hoạt động tích cực trên mạng xã hội”, Anna nói. “Tôi cũng từng tham gia vào lĩnh vực báo chí. Cá nhân tôi sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm khi ở lại đây”.

Khu vực Nagorno-Karabak ở Nam Kavkaz từ lâu đã trở thành điểm nóng xung đột trong quan hệ Armenia – Azerbaijan. Lãnh thổ này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, song phần lớn khu vực do người Armenia kiểm soát. Hai quốc gia đều coi Nagorno-Karabakh là nơi khởi nguồn cho lịch sử và bản sắc của họ.

Suốt hàng thập kỷ, các cuộc đụng độ giữa phe ly khai Armenia và quân đội Azerbaijan liên tục nổ ra. Năm 2020, Azerbaijan phát động chiến dịch lớn, giành lại nhiều lãnh thổ ở Nagorno-Karabak từ tay Armenia, trong đó có thành phố lịch sử Shusha.

Hàng loạt câu chuyện từ những người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabak đã cho thấy bức tranh chân thực về hệ quả của nhiều năm giao tranh tại khu vực.

“Chúng tôi đã mất tất cả”, một cư dân Armenia ở thành phố Stepanakert, thủ phủ Cộng hòa Artsakh, tuần trước cho hay. “Cả ngày tôi chỉ nghĩ xem lấy đâu ra đủ nước và thức ăn cho các con. Tôi chỉ mang theo những thứ mà chúng tôi sẽ cần để đến Armenia, khi chúng tôi tin rằng việc đi lại trên đường sẽ an toàn. Còn hiện tại, mọi thứ đều bế tắc, không có lối thoát”.

Stepanakert đã trở thành một thành phố hoang tàn, thiếu điện, thiếu nước, người dân phải đun nấu bằng bếp củi, Marut Vanyan, nhà báo tự do đã sống ở đây 40 năm, cho biết. Bệnh viện thành phố trở nên quá tải khi điều trị hàng trăm người bị thương do giao tranh. “Mọi thứ thật khủng khiếp”, Vanyan nói.

Các y bác sĩ đều kiệt sức khi phải điều trị cho quá nhiều thương binh cùng lúc, một số chưa tới 18 tuổi. Mùi hôi thối từ các bệnh viện tràn ngập bầu không khí.

Artak Beglaryan, cựu thanh tra nhân quyền vẫn ở lại Stepanakert, cho biết tất cả hàng hóa, nhiên liệu, điện, nước và thực phẩm đều cạn kiệt.

“Nạn đói hiện nay là vấn đề khá nghiêm trọng. Có thể 15.000-20.000 người phải rời khỏi làng của họ, một số bị chiếm đóng, số khác đầy rẫy rủi ro và nguy hiểm. Hầu hết họ ở Stepanakert, núp dưới tầng hầm hay sống ngay trên đường phố. Chúng tôi gặp thách thức rất lớn trong việc cung cấp thực phẩm cho họ”.





Những chiếc xe nối đuôi nhau rời khỏi Nagorno-Karabakh tối 24/9. Ảnh: Reuters

Những chiếc xe nối đuôi nhau rời khỏi Nagorno-Karabakh tối 24/9. Ảnh: Reuters

Tình hình nhân đạo càng trở nên thảm khốc hơn sau vụ nổ kho xăng ở Stepanakert đêm 25/9 khiến hơn 200 người bị thương. Phần lớn nạn nhân là những người đang xếp hàng ở đây chờ nhận xăng để có thể di tản tới Armenia.

“Phần lớn nạn nhân đang trong tình trạng thương nặng hoặc nguy kịch. Giới chức khu vực không đủ năng lực y tế để cứu chữa họ, cần lập cầu hàng không để đưa các nạn nhân nặng đi cấp cứu”, Gegham Stepanyan, thanh tra nhân quyền Nagorno-Karabakh, cho biết.

Ruben Vardanyan, cựu quan chức cấp cao của chính quyền ly khai Artsakh, cho hay “rất nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai, người già phải ngủ qua đêm trên những bãi cỏ, không có gì che chắn, bảo vệ họ. Không có nhà vệ sinh, không có nước. Không thể liên lạc vì điện thoại không thể sạc”.

Vardanyan cho biết trước khả năng lực lượng Azerbaijan tiếp quản khu vực, phe ly khai đã phá hủy các kho lưu trữ địa phương để ngăn chúng rơi vào tay đối phương. Armenia yêu cầu Azerbaijan mở hành lang nhân đạo ở hành lang Lachin, cho phép đưa viện trợ vào Nagorno-Karabakh và để người tị nạn ra ngoài, nhưng chưa được đáp ứng.





Vị trí vùng ly khai Nagorno-Karabakh. Đồ họa: BBC

Vị trí vùng ly khai Nagorno-Karabakh. Đồ họa: BBC

Tại một trạm kiểm soát của cảnh sát Armenia gần thị trấn Kornidzor thuộc vùng Nagorno-Karabakh hôm 22/9, khoảng hơn chục người đàn ông đang chờ đợi tin tức với hy vọng người thân của họ có thể đã đến được biên giới.

Một ông bố lo lắng đứng nhìn qua thung lũng, nơi hai con anh sống cùng mẹ. Ông bị mắc kẹt bên ngoài khu vực khi Azerbaijan tiến hành phong tỏa hành lang Lachin 9 tháng trước và không gặp lại họ kể từ đó.

Andranik, cũng đến từ Nagorno-Karabakh, cho hay đã đưa được gia đình mình ra ngoài, nhưng lo lắng cho những người thân và bạn bè vẫn còn mắc kẹt trong khu vực. “Chúng ta phải cứu họ”, anh nói, lắc đầu. “Nếu không họ sẽ phải hứng chịu điều tồi tệ nhất”.

Vũ Hoàng (Theo Guardian)


[ad_2]

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here