Home Xã hội UBND TP Hà Nội: Buýt nhanh BRT giảm ùn tắc giao thông

UBND TP Hà Nội: Buýt nhanh BRT giảm ùn tắc giao thông

0


Từ 2017 đến tháng 6/2022, BRT Kim Mã – Yên Nghĩa giúp giảm xe cá nhân ra vào nội đô, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, theo UBND TP Hà Nội.

Nội dung này được nêu trong báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố, dự kiến diễn ra ngày 5-8/12.

Cử tri cho rằng dự án tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa được thực hiện nhằm giảm ùn tắc giao thông tại các tuyến đường, nhưng sau 5 năm vẫn không đạt kỳ vọng, đề nghị thành phố đánh giá lại hiệu quả dự án.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội trả lời, sau 5 năm hoạt động, tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa đã mang lại những kết quả tích cực, được nhân dân tin tưởng sử dụng và đánh giá tốt. Chất lượng phục vụ duy trì ổn định, sản lượng hành khách ngày càng tăng và doanh thu duy trì ở mức cao.

Bình quân năm 2017, buýt nhanh BRT đạt hơn 40 khách/lượt; năm 2018 là 42 khách/lượt; năm 2019 gần 43 khách/lượt. Bình quân giờ cao điểm trong điều kiện bình thường là 70 khách/lượt, có chuyến lên đến 100 khách.

Giai đoạn 2020-2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có những thời điểm xe buýt phải dừng hoạt động, giảm công suất nên sản lượng và doanh thu tuyến BRT sụt giảm. Bình quân năm 2020 hơn 45 khách/lượt, đến 2021 chỉ còn 23 khách/lượt, nửa đầu năm 2022 lượng khách trung bình mỗi lượt bằng năm 2021 (hơn 45 khách/lượt).

Số lượng khách đặt vé tháng khá cao. Năm 2017 là 1.600 người/tháng, 2018 là 2.200 người/tháng và 2019 là 2.100 người/tháng. Số liệu từ 2020 đến nay không nêu trong báo cáo.

Nhiều phương tiện đi vào làn ưu tiên dành cho xe buýt nhanh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa. Ảnh: Ngọc Thành.

Doanh thu của tuyến BRT được đánh giá tốt so với các tuyến xe buýt thường, nhưng tỷ lệ trợ giá có xu hướng ngày càng tăng. Theo đó, năm 2017 doanh thu tuyến BRT đạt 25 tỷ đồng, năm 2018 tăng lên 27,5 tỷ đồng, năm 2019 gần 25 tỷ đồng. Tỷ lệ trợ giá từ hơn 26% năm 2016 lên trên 36% năm 2019 và năm 2021 là trên 65%.

Thành phố cho rằng BRT còn một số bất cập như bị lấn làn ưu tiên, một số đoạn chạy chung các phương tiện khác làm ảnh hưởng tốc độ, một số nhà chờ chưa được tiếp cận bằng cầu đi bộ, chưa có hệ thống vé điện tử… Dù vậy, tuyến BRT đã giúp giảm ùn tắc giao thông, xe cá nhân ra vào nội đô, giảm chi phí đi lại cho hành khách, chất lượng phục vụ tốt, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đối với các khu vực tuyến BRT đi qua.

Tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa được phê duyệt từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư 55 triệu USD, tương đương 1.100 tỷ đồng. Ngày 1/1/2017, tuyến bắt đầu hoạt động theo lộ trình Yên Nghĩa – Ba La – Lê Trọng Tấn – Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ – Giảng Võ – bến xe Kim Mã. Người dân di chuyển toàn tuyến dài 14,77 km sẽ mất khoảng 45 phút.

Những năm qua, cơ quan chuyên môn đã hai lần đề xuất cho phương tiện khác đi vào làn ưu tiên BRT. Đầu năm 2018, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) đề xuất các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 4h đến 23h hàng ngày; phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h hôm sau.

Tháng 6/2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất xe khách từ 24 chỗ trở lên, xe công vụ, xe cứu nạn, cứu thương được chạy trên đường dành riêng cho buýt nhanh BRT. Tuy nhiên, chính quyền thành phố không có phản hồi công khai nào sau các đề nghị trên.

Hiệu quả giảm ùn tắc giao thông của tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa cũng có nhiều ý kiến trái chiều vì thực tế tuyến đường di chuyển (Kim Mã – Lê Văn Lương – Tố Hữu) luôn bị ùn tắc vào giờ cao điểm.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), đơn vị hỗ trợ về vốn và tư vấn giải pháp, kinh nghiệm cho tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa, đánh giá “dù không đạt mục tiêu về lượng hành khách như dự kiến, tuyến BRT đặt nền móng cho loại hình dịch vụ vận tải công cộng mới có tiêu chuẩn cao hơn so với buýt thông thường”.

Võ Hải

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Exit mobile version