[ad_1]
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng rà soát kiến nghị, đề xuất của các tỉnh, thành gửi đến để giải quyết ngay vấn đề tồn đọng, quá thời hạn.
Trong công điện ban hành tối 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu thực trạng nhiều kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi các bộ chưa được trả lời hoặc hướng dẫn. Cá biệt, một số trường hợp rất chậm, để tồn đọng kéo dài hoặc hướng dẫn chung chung, không rõ quan điểm, không đúng vấn đề cần được giải quyết. Một số cơ quan chủ trì lạm dụng lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng đề cao trách nhiệm người đứng đầu, giải quyết dứt điểm kiến nghị của các tỉnh, thành. Nếu vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, các bộ có văn bản trả lại ngay, nêu rõ lý do và căn cứ không giải quyết. Với các kiến nghị cần lấy ý kiến đơn vị liên quan, cơ quan chủ trì nêu rõ thời hạn trả lời; không được lấy ý kiến của đơn vị không liên quan. Sau khi tổng hợp các ý kiến, bộ chủ trì phải có văn bản hướng dẫn ngay.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng phụ trách các văn bản xin ý kiến nhưng chưa được giải quyết trước ngày 15/5.
Tại công điện, Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền địa phương lên Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành, cơ quan trung ương. Nếu cần thiết, Chủ tịch tỉnh, thành đề nghị làm việc với bộ trưởng để xử lý các đề xuất.
Đây là lần thứ hai trong nửa tháng qua, Thủ tướng ban hành công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương giải quyết công việc đúng thẩm quyền, không né tránh, đùn đẩy.
Trong công điện ngày 19/4, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thay thế cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm. Các bộ trưởng quyết định công việc theo thẩm quyền; không trình Chính phủ, Thủ tướng, Phó thủ tướng những công việc thuộc thẩm quyền. Các bộ trưởng cũng không được chuyển công việc của mình sang bộ khác; không giải quyết công việc không thuộc thẩm quyền. Các bộ được trả lại văn bản cho địa phương nếu xin ý kiến không đúng thẩm quyền.
Trước đó, giữa tháng 4, tại cuộc làm việc của Thủ tướng với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết năm 2022, TP HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ đã có 604 văn bản trả lời; hầu hết thuộc thẩm quyền của thành phố. Ông Dũng nói “điều này rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau”.
[ad_2]