[ad_1]
Thủ tướng cho biết GDP năm nay chỉ tăng trên 5%, thấp hơn mức được Quốc hội giao, do nền kinh tế chịu tác động kép chưa từng có, bất chấp các nỗ lực tháo gỡ.
Báo cáo trước Quốc hội ngày 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, tăng trưởng GDP 9 đạt 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,16% sau 9 tháng. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD.
Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn gần 4,7% so với cùng kỳ, tương đương 110.000 tỷ đồng. Vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%.
Bội chi ngân sách 2023 ước khoảng 4% GDP, nợ công 39-40% GDP, nợ Chính phủ 36-37% GDP; nợ nước ngoài quốc gia 37-38% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 20-21% tổng thu ngân sách Nhà nước. Các chỉ tiêu này đều trong ngưỡng trần Quốc hội cho phép.
Ngân sách tiết kiệm được 560.000 tỷ đồng dành để cải cách tiền lương trong 3 năm (2024-2026).
Tuy vậy, lãnh đạo Chính phủ thừa nhận, kinh tế chịu tác động từ yếu tố bất lợi bên ngoài, hạn chế bên trong kéo dài nhiều năm. Sức cạnh tranh, chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.
Trước khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các giải pháp đưa ra sẽ thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
“Chính phủ nỗ lực, đưa ra nhiều giải pháp để tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 5% (mức này thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao (6,5%). Lạm phát khoảng 3,5-4%”, Thủ tướng nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi phát biểu khai mạc kỳ họp cũng nhìn nhận, năm nay khó khăn nhiều và lớn hơn thuận lợi. “Chúng ta tiếp tục đối mặt “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, yếu kém nội tại tích tụ của nền kinh tế bộc lộ rõ, gay gắt hơn”, ông nêu.
Thay mặt cơ quan thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận xét, mục tiêu tăng trưởng năm nay 6,5% là thách thức lớn, không dễ đạt được trong bối cảnh hiện nay. Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát và tăng trưởng trong nước tăng cao những tháng cuối năm.
5 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội không đạt, trong đó nhiều chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng, như tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Đây là năm thứ ba liên tiếp chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu (năm 2021-2022 chỉ tiêu này thấp hơn mục tiêu 0,09-0,4%).
“Sức khỏe” doanh nghiệp vẫn khó khăn khi số giải thể, phá sản tăng cao, tính chung 9 tháng là 135.100 đơn vị. Tức bình quân khoảng 15.000 doanh nghiệp rời thị trường mỗi tháng, trong khi số thành lập mới giảm về vốn đăng ký, lao động.
“Doanh nghiệp đối mặt khó khăn thị trường, thiếu đơn hàng, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp và chi phí sản xuất, logistics tăng cao”, Ủy ban Kinh tế nhận xét.
Mặt khác, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ dù mặt bằng lãi suất huy động, cho vay giảm. Tăng trưởng tín dụng thấp, chỉ tăng 5,91% đến 21/9.
Thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; nợ xấu tăng gây áp lực lên chi phí vốn và lợi nhuận của ngành ngân hàng. Đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, gấp hơn 2 lần cùng thời điểm năm 2022 (1,7%).
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 5,22% đến cuối tháng 7. “Tình hình khó khăn hiện nay, nếu không được cải thiện thì dự báo nợ xấu sẽ tăng thời gian tới và bào mòn năng lực tài chính của các ngân hàng”, ông Thanh nhận xét.
GDP khó tăng vượt 6% cũng được Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các chuyên gia dự báo tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vào giữa tháng này, khi nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu chậm lại, suy giảm và chịu áp lực lớn từ bên ngoài.
Những tháng còn lại năm nay, Ủy ban Kinh tế lưu ý, Chính phủ cần tiếp tục khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế; hoàn thiện cơ chế để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. “Cần đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, việc làm bị ảnh hưởng, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nhanh chóng có chính sách hỗ trợ người lao động và các gia đình bị ảnh hưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2024, kinh tế dự báo vẫn chịu tác động tiêu cực kép, thách thức nhiều hơn. Chính phủ đặt mục tiêu năm sau GDP tăng 6-6,5%, thu nhập bình quân đầu người 4.700-4.730 USD và lạm phát 4-4,5%. Tín dụng tăng trưởng trên 15%; giải ngân đầu tư công trên 95% kế hoạch; giảm 10% chi phí tuân thủ tục hành chính trong kinh doanh.
Thủ tướng cam kết “không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng”.
Ngoài điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, mở rộng hợp lý chính sách tài khóa, Thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và xử lý nợ xấu, chấm dứt sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.
Cùng đó, thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025. Riêng đề án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ được Chính phủ trình cấp thẩm quyền trong năm sau.
Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng phân cấp, phân quyền và chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Với mục tiêu này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP, cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ. Tương tự, việc lập dự toán ngân sách Nhà nước, xây dựng dự toán thu ngân sách tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi.
[ad_2]