[ad_1]
Ngoại trưởng Serbia chỉ trích Ukraine vì bỏ phiếu trắng với việc Kosovo gia nhập Ủy hội châu Âu, cảnh báo Belgrade có thể thay đổi lập trường với Kiev.
“Tôi phải nói rằng Ukraine đã khiến chúng tôi bất ngờ một cách khó chịu”, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic nói ngày 25/4, sau khi Ủy ban Bộ trưởng Ủy hội châu Âu (CoE) bỏ phiếu về việc kết nạp Kosovo làm thành viên tổ chức hôm 24/4.
Nỗ lực của Kosovo nhận được 33 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 5 phiếu trắng, trong đó có Ukraine. Armenia không tham gia bỏ phiếu. Để gia nhập CoE, ứng viên cần được tối thiểu 2/3 số thành viên ủng hộ. Với kết quả này, Ủy ban Bộ trưởng CoE đã chấp thuận và chuyển trường hợp Kosovo đến Hội đồng Nghị viện CoE để ra quyết định cuối cùng.
“Bạn có biết chúng tôi khó khăn thế nào khi bỏ phiếu cho những nghị quyết lên án xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, nhưng khi liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, họ lại bỏ phiếu trắng”, Politika dẫn lời ông Dacic. Serbia cho rằng bỏ phiếu trắng cũng đồng nghĩa ủng hộ Kosovo gia nhập CoE.
Dacic nhấn mạnh quan điểm đối ngoại của Serbia là “có đi có lại”. “Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lập trường của Serbia trong tương lai”, ông cảnh báo.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 25/4 cũng tuyên bố sẽ có “những thay đổi cơ bản và sâu sắc” trong chính sách đối ngoại, nhưng không nêu cụ thể. Ông cảm ơn những nước bỏ phiếu phản đối Kosovo như Cyprus, Tây Ban Nha, Romania, Azerbaijan và Gruzia. Ông đồng thời bày tỏ thất vọng về quyết định của một số quốc gia ủng hộ Kosovo như Bosnia và Herzegovina, Montenegro và Hy Lạp.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Kosovo Donika Gervalla-Schwarz ca ngợi kết quả bỏ phiếu là “bước tiến lịch sử, có lẽ là quan trọng nhất kể từ khi Kosovo độc lập”. Kosovo nộp đơn xin gia nhập CoE hồi tháng 5/2022, không lâu sau khi Nga rời tổ chức này.
CoE thành lập năm 1949, có trụ sở chính ở Strasbourg, Pháp, với sứ mệnh bảo vệ nhân quyền và pháp quyền thời hậu chiến. CoE hiện có 46 thành viên, gồm gần như toàn bộ các quốc gia có lãnh thổ ở châu Âu.
Kosovo có diện tích khoảng 10.800 km2, là vùng lãnh thổ ly khai ở tây nam Serbia. Khu vực tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 với sự hậu thuẫn của phương Tây, sau cuộc chiến tranh năm 1998-1999. Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối.
Serbia tuyên bố trung lập trong cuộc chiến Ukraine, cố gắng cân bằng quan hệ thân thiết trong lịch sử với Nga và mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu. Serbia không tham gia biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, song đã ủng hộ một số nghị quyết của Liên Hợp Quốc phản đối cuộc chiến ở Ukraine.
Như Tâm (Theo RT, Yahoo News)
[ad_2]