[ad_1]
Đề xuất hòa bình 10 điểm của phái đoàn châu Phi mang tính gợi cảm hứng nhiều hơn là kế hoạch cụ thể có khả năng hạ nhiệt xung đột Nga – Ukraine.
“Tổng thống Cyril Ramaphosa ngày 18/6 kết thúc hai ngày công du đến Ukraine và Nga, trong đó các lãnh đạo châu Phi đề xuất một đề xuất hòa bình 10 điểm cho cuộc xung đột đã kéo dài 16 tháng”, văn phòng tổng thống Nam Phi cho biết cùng ngày.
Trong kế hoạch này, phái đoàn châu Phi đề nghị lãnh đạo Nga và Ukrain lắng nghe quan điểm của nhau; khẳng định cuộc chiến phải được giải quyết bằng con đường đàm phán và ngoại giao; hai bên phải giảm nhiệt xung đột; thừa nhận chủ quyền quốc gia theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc quốc tế.
Đề xuất của phái đoàn còn cho rằng cần sự đảm bảo an ninh cho tất cả các nước liên quan; loại bỏ mọi trở ngại với dòng chảy ngũ cốc trên Biển Đen để chúng có thể tới được thị trường tiêu thụ; nỗ lực nhân đạo cần được tiến hành với những người bị ảnh hưởng; tù nhân chiến tranh cần được phóng thích và trẻ em được trả về Ukraine; thiệt hại do cuộc chiến cần được tái thiết; và các cuộc tiếp xúc tiếp theo cần được tổ chức để khuyến khích đối thoại thông qua Phái bộ Hòa bình châu Phi.
“Chúng tôi đến đây để truyền tải thông điệp rất rõ ràng rằng chúng tôi muốn cuộc chiến này chấm dứt”, ông Ramaphosa nói khi phái đoàn châu Phi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại St. Petersburg ngày 17/6. Đây cũng là thông điệp phái đoàn châu Phi gửi đến Ukraine khi tới Kiev một ngày trước đó.
Lắng nghe quan điểm từ cả hai bên là điều quan trọng, ông Ramaphosa nhấn mạnh. Tuy nhiên, từ những phản hồi của ông Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, giới quan sát cho rằng nỗ lực của phái đoàn châu Phi khó có thể giảm nhiệt xung đột Ukraine.
Phái đoàn châu Phi, gồm Tổng thống 4 nước Nam Phi, Zambia, Comoros, Senegal, cùng đại diện của lãnh đạo Cộng hòa Congo, Ai Cập và Uganda, gặp ông Zelensky ngày 16/6. Ông Zelensky nhấn mạnh chỉ đàm phán với Moskva sau khi lực lượng Nga rút khỏi những khu vực đang kiểm soát ở Ukraine.
Ông Zelensky hoài nghi về sứ mệnh của phái đoàn châu Phi, hỏi rằng tại sao họ vẫn quyết định đến St. Petersburg ngay cả sau khi Nga tập kích tên lửa Kiev vào đúng ngày họ đặt chân đến thủ đô của Ukraine. “Như vậy liệu có hợp lý? Tôi thực sự không hiểu nổi”, ông Zelensky nói.
Ukraine ngày 16/6 tuyên bố đã bắn hạ 6 tên lửa siêu vượt âm Nga Kinzhal tập kích Kiev. Nga chưa phản hồi về cáo buộc của Ukraine, song nhiều lần khẳng định chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự, không nhắm vào mục tiêu dân sự.
Phái đoàn châu Phi luôn khẳng định trung lập trong xung đột Nga – Ukraine, nhưng Kiev cũng hoài nghi điều này, đặc biệt là với Tổng thống Ramaphosa. Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của ông Ramaphosa có quan hệ mật thiết với Moskva suốt nhiều thập kỷ.
Mối quan hệ này càng gây chú ý sau khi xuất hiện cáo buộc Nam Phi cung cấp vũ khí cho Nga, dù Pretoria và Moskva đều bác bỏ thông tin.
“Không có kỳ vọng gì nhiều với vị thế của phái đoàn châu Phi khi đến đây”, Hanna Shelest, nhà phân tích chính sách đối ngoại Ukraine, nói. Chính phủ Ukraine từng hy vọng rằng khi được chứng kiến tận mắt những hậu quả của chiến tranh, các lãnh đạo châu Phi có thể thay đổi lập trường của mình.
Trong khi đó, khi tiếp phái đoàn châu Phi ở St. Petersburg ngày 17/6, Tổng thống Putin nhấn mạnh không thể tin tưởng giới lãnh đạo Ukraine. Ông cũng công bố dự thảo hòa bình được Nga và Ukraine thống nhất hồi tháng 3/2022, cáo buộc đối phương “vứt bỏ” thỏa thuận sau khi Moskva rút lực lượng khỏi miền bắc Kiev.
Ông chủ Điện Kremlin khẳng định Moskva sẵn sàng đối thoại với Kiev nhưng không còn tin Ukraine sẽ giữ lời. “Lấy đâu sự đảm bảo rằng họ sẽ không từ bỏ những thỏa thuận khác?”, Tổng thống Putin đặt câu hỏi.
Ngoài ra, Moskva cũng nhiều lần khẳng định mọi thỏa thuận tiềm năng đều cần Kiev phải công nhận “thực tế mới” trên thực địa, đề cập đến việc Moskva sáp nhập 4 vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia vào lãnh thổ. Đây là điều mà Ukraine đã nhiều lần bác bỏ, tuyên bố sẽ giành lại các vùng lãnh thổ này bằng mọi giá.
Các bên thậm chí có rất ít điểm chung để bắt đầu chuẩn bị đàm phán, chưa nói đến các biện pháp xây dựng niềm tin mà phái đoàn châu Phi đề cập khi bắt đầu sứ mệnh.
Giới quan sát cho rằng đề xuất 10 điểm mà Tổng thống Nam Phi và phái đoàn đưa ra giống các nguyên tắc mang tính định hướng và khơi gợi cảm hứng hơn là một kế hoạch hòa bình đầy đủ.
Nhiều điểm quan trọng trong đề xuất này đã bị ông Putin thẳng thừng bác bỏ, khi cho rằng Ukraine và các đồng minh phương Tây đã khơi mào cuộc xung đột từ lâu trước khi Nga phát động chiến dịch hồi tháng hai năm ngoái.
Thời điểm phái đoàn châu Phi bắt đầu sứ mệnh cũng không thuận lợi. Ukraine được cho là đang triển khai chiến dịch phản công lớn đã lên kế hoạch từ lâu. Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều không đang đối mặt thất bại lớn nào trên chiến trường để bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán.
Theo bình luận viên Nick Connolly của DW, chuyến công du của phái đoàn châu Phi mang dáng dấp của một nỗ lực tìm kiếm đồng minh, hơn là trung gian đàm phán. Việc tiếp đón phái đoàn giúp ông Putin củng cố hình ảnh, cho thấy các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã thất bại.
Các lãnh đạo châu Phi không đưa ra bất cứ phản ứng nào ngay cả khi Nga đồng loạt phóng nhiều tên lửa, UAV tập kích các mục tiêu ở Kiev ngay sau khi họ đến thăm. Tổng thống Zelensky đã không che giấu nỗi bất bình trong họp báo chung ngày 16/6, khi Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly dùng từ “xung đột” để mô tả chiến dịch của Nga ở Ukraine.
“Thật ngây thơ khi cho rằng chuyến đi của các lãnh đạo châu Phi sẽ mang lại thành công”, Iqbal Jassat, giám đốc điều hành viện chính sách Media Review Network, trụ sở Johannesburg, Nam Phi, nói với Anadolu. Ông cho rằng nỗ lực của phái đoàn “chỉ mang tính biểu tượng” mà không thể tạo ra bất cứ kết quả cụ thể nào.
Trong khi đó, Murithi Mutiga, giám đốc về châu Phi tại viện chính sách ICG, trụ sở Bỉ, cho rằng dù kết quả và động cơ chưa thực sự cụ thể, đây vẫn là nỗ lực ngoại giao hiếm hoi và “động thái đáng hoan nghênh” trong bối cảnh châu Phi mong muốn có tiếng nói lớn hơn tại Liên Hợp Quốc cũng như các tổ chức quốc tế.
Jean-Yves Ollivier, lãnh đạo tổ chức Brazzaville Foundation, trụ sở Anh, có tham gia chuẩn bị cho nỗ lực của phái đoàn châu Phi, cho biết mục tiêu của họ là bắt đầu đối thoại, hơn là giải quyết xung đột, từ các vấn đề không trực tiếp ảnh hưởng đến thế trận chiến sự và tiếp tục phát triển theo hướng đó.
Một trong số đó là trao đổi tù nhân chiến tranh Nga – Ukraine, theo Ollivier. Các vấn đề khác là tìm giải pháp cho những vấn đề ảnh hưởng đến châu Phi như ngũ cốc và phân bón. Xung đột Nga – Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung ngũ cốc và phân bón toàn cầu, làm gia tăng mất an ninh lương thực toàn cầu. Châu Phi nhập khẩu cả hai loại hàng hóa này và chịu tác động nặng nề từ cuộc xung đột.
Trong khi đó, giáo sư Lesiba Teffo, Đại học Nam Phi, nhất trí với Tổng thống Ramaphosa rằng sứ mệnh là “nước đi hay” của các lãnh đạo châu Phi, dù kết quả không rõ ràng.
“Ngoài kia đang có một cuộc khủng hoảng. Nhiều khu vực và các tổ chức trên thế giới đang tìm cách dừng cuộc chiến. Tại sao châu Phi lại không tham gia và giúp chấm dứt xung đột?”, ông Teffo đặt câu hỏi.
Ông thừa nhận sứ mệnh thành công hay không là “vấn đề khác”, bởi nhiều đề xuất khác cũng không hiệu quả. Tuy nhiên, giáo sư Teffo cho rằng sứ mệnh lần này giúp nâng tầm châu Phi trên trường quốc tế. “Thà thử rồi thất bại, còn hơn là không dám thử”, ông nói.
Như Tâm (Theo DW, TASS, Anadolu)
[ad_2]