Hiệp hội Blockchain Việt Nam công bố chương trình hành động năm 2023

Date:

Bạn quan tâm

Nhân dịp kỷ niệm 1 năm thành lập, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố 4 chương trình trọng điểm cho năm 2023, trong đó, việc xây dựng Tiêu chuẩn Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho ngành blockchain, dự án Chống lừa đảo Chaintracer và Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SwitchUp được đặc biệt chú trọng.

Các chương trình này nằm trong định hướng về xây dựng Tiêu chuẩn Hiệp hội Blockchain Việt Nam, tăng cường Ứng dụng Regtech và Hỗ trợ gọi vốn trong năm 2023. Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ: “4 chương trình hành động năm 2023 bao gồm Tiêu chuẩn Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Ứng dụng Regtech, Hỗ trợ gọi vốn và Giáo trình. Các chương trình này sẽ cụ thể hóa 6 mục tiêu ban đầu do Hiệp hội Blockchain Việt Nam đề ra”. 

Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ tại sự kiện.

Theo ông Trung, Tiêu chuẩn Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ bao gồm: Tiêu chuẩn đánh giá dự án blockchain, Tiêu chuẩn cộng đồng và Tiêu chuẩn an toàn tài sản số. Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã hoàn tất việc lấy ý kiến cộng đồng và chính thức công bố Tiêu chuẩn đánh giá dự án blockchain tại sự kiện này. Chương trình tiêu chuẩn hoạt động dựa trên lấy ý kiến cộng đồng, bao gồm các đối tác và liên minh quốc tế. Nhiệm vụ Hiệp hội Blockchain Việt Nam là cung cấp tiêu chuẩn miễn phí cho cộng đồng, chia sẻ với các cơ quan quản lý, đơn vị giáo dục để đưa vào tài liệu nghiên cứu, tham khảo, triển khai các hoạt động đào tạo, sau cùng là phối hợp những công cụ Regtech để hỗ trợ thực hiện tiêu chuẩn hiệu quả.

Tăng cường ứng dụng Regtech thông qua dự án Chaintracer

Ông Phan Đức Trung định nghĩa Regtech (Regulation technology) là các công nghệ ứng dụng vào hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp lý. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng ứng dụng RegTech sẽ đạt được 2 tiêu chuẩn, thứ nhất là thỏa mãn tiêu chuẩn ứng dụng quốc tế, thứ hai là hòa nhập môi trường cơ sở dữ liệu toàn cầu, đặc biệt là eKYC (nhận biết khách hàng điện tử”.

Hiệp hội Blockchain Việt Nam bước đầu tham gia Ứng dụng Regtech thông qua dự án Chaintracer. Ông Hiếu Ngô – thành viên Ban An toàn Thông tin của Hiệp hội Blockchain Việt Nam là người dẫn dắt dự án này. Đây là dự án truy vết giao dịch trên blockchain nhằm thúc đẩy hoạt động AML/CFT (chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố).

Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành bảo mật và từng nằm trong danh sách các chuyên gia bảo mật có đóng góp cho hãng trong tháng 5/2022, ông Hiếu Ngô hiểu rõ sự rủi ro của thị trường Web3. Chỉ trong năm 2022, ông cho biết đã có hơn 3 tỉ USD bị mất do nạn lừa đảo trong ngành này, theo Immunefi. 

Ông Hiếu Ngô (Hiếu PC), thành viên Ban An toàn Thông tin Hiệp hội Blockchain Việt Nam giới thiệu nền tảng Chaintracer

Theo ông, các hình thức scam (lừa đảo) phổ biến là rug pull (nhà phát triển rút tiền khỏi dự án), công bố những đợt ICO/IDO/IEO (phát hành cổ phiếu dưới dạng token) giả mạo, hay dùng mã độc để tấn công nạn nhân. Do đó, Chaintracer sẽ nhận diện và cảnh báo người dùng về những cuộc tấn công như vậy. Nền tảng Chaintracer cam kết bảo vệ nhà đầu tư bằng cách xem xét hoạt động của giao dịch trên chuỗi và tham chiếu chúng với các mô hình lừa đảo đã biết để đánh giá xem một dự án có phải là lừa đảo hay không. Nền tảng này cũng sẽ phân tích các hành vi thị trường để nhận diện lạm phát, cung cấp các bản phân tích các dự án ICO, IDO, IEO để nhà đầu tư dựa vào đó xác định xem dự án có gian lận hay không. 

Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng blockchain

Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một định hướng Hiệp hội Blockchain Việt Nam quan tâm trong năm 2023. Tại sự kiện, Hiệp hội Blockchain Việt Nam công bố chương trình tăng tốc khởi nghiệp “SwitchUp” tập trung vào việc hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các dự án Blockchain/Web3. 

Ông Eric Hưng Nguyễn – thành viên của Ban Xúc tiến Đầu tư Hiệp hội Blockchain Việt Nam là người công bố chương trình SwitchUp. Đây là nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp hàng đầu cho các dự án blockchain, hỗ trợ các dự án từ việc gọi vốn, phát triển và hoàn thiện sản phẩm cho đến xây dựng cộng đồng 

Ông Eric Hưng Nguyễn – thành viên của Ban Xúc tiến Đầu tư Hiệp hội Blockchain Việt Nam công bố về chương trình SwitchUp

Cụ thể, các dự án sẽ được theo sát tư vấn từ các cố vấn và chuyên gia hàng đầu phát huy thế mạnh và khắc phục điểm yếu, tiếp xúc trực tiếp với các quỹ VC và nhà đầu tư Thiên thần được mời tham dự và hỗ trợ truyền thông, marketing. Người đứng đầu dự án sẽ được đào tạo thuyết trình gọi vốn, được tư vấn công nghệ, xây dựng chiến lược tiếp thị, sau cùng là tư vấn quản trị doanh nghiệp và pháp lý. 

Hòa nhập vào tầm nhìn chung của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, chương trình SwitchUp sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia để thúc đẩy khởi nghiệp trong môi trường Đại học, liên kết với các trường Đại học quốc tế để thực hiện trao đổi sinh viên, hỗ trợ về đào tạo, cung cấp tài liệu trong quá trình gọi vốn. 

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ

Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: “Khi khái niệm “tiền ảo” trở nên phổ biến, có rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị lừa, nên dự án đồng chí Hiếu trình bày có thể giải quyết vấn đề này. Tôi cũng rất tán thành những nội dung Hiệp hội Blockchain Việt Nam đưa ra trong năm 2023, cũng như 6 mục tiêu năm 2022. Đây thực sự là những kết quả đáng ghi nhận của Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Ở Việt Nam, để làm chuyển đổi số, công nghệ blockchain có vai trò hết sức quan trọng. Tôi rất quan tâm đến chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội Blockchain Việt Nam do đồng chí Hưng trình bày, chương trình này có thể đồng hành Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia hằng năm”. 

Lễ trao chứng nhận Hội viên chính thức


Ngày 17/05/2023 đánh dấu kỷ niệm một năm thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Trải qua 1 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Blockchain Việt Nam từng bước khẳng định vị thế là một tổ chức kết nối chia sẻ các giá trị qua chuỗi sự kiện cộng đồng và các hợp tác trong nước lẫn quốc tế, bên cạnh việc thúc đẩy thiết lập tiêu chuẩn và bảo mật dữ liệu. Sự kiện đã đón tiếp 300 khách VIP là lãnh đạo cấp cao cấp Chính phủ, Bộ ban ngành, Ban giám đốc các công ty, Quỹ đầu tư, KOL cộng đồng, Doanh nghiệp ứng dụng Blockchain.

Xem nhiều