[ad_1]
Doanh nghiệp đầu mối, phân phối phải ký cam kết cung ứng đủ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ, theo yêu cầu của Bộ trưởng Công Thương.
Chỉ đạo này được nêu trong công điện ngày 12/11 của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên về đảm bảo cung ứng xăng dầu. Theo đó, ông yêu cầu quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương địa phương kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu, từ doanh nghiệp đầu mối, phân phối cho tới cửa hàng bán lẻ.
Các doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu phải ký cam kết đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Việc này được yêu cầu xong trước ngày 16/11.
Trong cuộc họp cách đây 10 ngày về gỡ khó cho cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương từng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối Nhà nước xả dự trữ thương mại để cung ứng cho những nơi thiếu cục bộ.
Quản lý thị trường cũng được yêu cầu giám sát các cửa hàng bán lẻ đang hoạt động, xử lý nghiêm hành vi vi phạm; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả.
Lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong giám sát, kiểm tra, xử lý vi pham kinh doanh xăng dầu.
Thị trường trong nước những ngày qua vẫn thiếu hụt, khan hiếm nguồn hàng xăng dầu. Giá bán lẻ xăng dầu đã tăng thêm hơn 1.100 đồng một lít với xăng RON 95-III, đưa mặt hàng này lên 23.860 đồng. Nhưng sau điều chỉnh, cung ứng xăng dầu vẫn khó khăn.
Ngày 12/11, tình trạng người dân xếp hàng dài, chờ đợi tới lượt đổ xăng vẫn diễn ra tại nhiều cửa hàng xăng dầu tại các quận nội thành Hà Nội. Nhiều cửa hàng bán lẻ sau thời gian tạm đóng vì hết xăng, đã có nhiên liệu trở lại nhưng hạn chế lượng mua mỗi lượt 50.000 đồng với xe máy, 300.000 đồng với ôtô.
Hôm 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương có ngay biện pháp, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cung cấp đầy đủ xăng dầu, đảm bảo không để thiếu và khắc phục tình trạng thiếu hụt mặt hàng này từ ngày 12/11.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp khẩn với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan về tình hình cung ứng xăng dầu. Chia sẻ sau cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, khẳng định không thiếu xăng dầu, song thực tế thị trường vẫn ghi nhận đứt gãy ở một số phân khúc.
Nguyên nhân chính dẫn tới đứt đoạn trên thị trường xăng dầu là do doanh nghiệp bị lỗ kéo dài khi các chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời. Chi phí này được Bộ Tài chính tăng tối đa 660 đồng một lít trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, nhưng vẫn chưa đủ bù đắp so với thực tế. Do đó, Chính phủ yêu cầu Bộ này rà soát, tính toán để điều chỉnh tiếp chi phí xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 21/11 tới.
[ad_2]