[ad_1]
Tranh thủ đầu tư
Trưa 4/3, tại tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh, TPHCM), hơn chục người có mặt ở quầy thu mua chờ bán vàng. Đem đến bán 20 chiếc nhẫn vàng tròn trơn loại 1 chỉ, anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ TP Thủ Đức) cho biết, số nhẫn này anh mua bằng tiền tiết kiệm từ nhiều năm trước, khi vàng có giá khoảng 3 triệu đồng/chỉ. Nay thấy giá lên gấp đôi, anh quyết định mang đi bán để đầu tư. “Khi tôi bán vàng, giá mua vào vàng 999 là 6,44 triệu đồng/chỉ. Bán 2 cây vàng được 128,8 triệu đồng, gấp đôi so với lúc mua” – anh Hùng nói.
Cầm gần 100 triệu đồng để mua vàng làm của để dành, bà Bùi Thị Hương (60 tuổi, ngụ quận 10) bộc bạch, thấy vàng lên giá quá nên gom tiền có sẵn trong nhà tranh thủ mua. “Bây giờ không mua, vài hôm nữa vàng lên giá tiếp muốn mua cũng không thể. Chưa bao giờ tôi thấy giá vàng lên cao và nhanh như lúc này. Theo kinh nghiệm của tôi, vàng đã lên thì khó xuống, nên mua vàng chỉ có lời chứ ít khi lỗ” – bà Hương nói.
Chưa đầy mười phút, hơn chục người xếp hàng chờ mua bán vàng. Nhân viên tiệm vàng cho hay, gần 10 ngày qua, lượng khách đến giao dịch đều rất đông. Tiệm này thậm chí còn hạn chế số vàng nhẫn tròn trơn bán ra, mỗi người chỉ được mua tối đa 2 chiếc nhẫn loại 1 chỉ vì không đủ hàng bán cho khách.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thời điểm này, người dân có thể đầu tư vào vàng để kiếm lời vì vàng luôn là tài sản an toàn, nhưng không nên “đổ tất cả trứng vào một giỏ”. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên lướt sóng sàn vàng kiểu “ăn xổi ở thì” vì giá vàng bất định.
Tiệm vàng Kim Thành (quận 6) cũng kín người đến mua bán vàng khi vừa mở cửa. “Vàng lên giá từng ngày nhưng không vì vậy mà vắng khách mua. Vàng miếng, vàng nhẫn được mua nhiều nhất. Nhiều khi hết hàng, chúng tôi viết giấy hẹn ngày để khách quay lại lấy. Chúng tôi cũng không nhận tiền cọc như trước, cũng không còn livestream (phát trực tiếp) bán vàng vì hiện không đủ để giao cho khách” – bà Thủy, chủ tiệm vàng Kim Thành, nói.
Khoe 15 chiếc nhẫn vàng tròn trơn 4 số 9 ép vỉ loại 1 chỉ vừa mua tại PNJ, chị Nguyễn Thị Liên Hoa (ngụ quận Bình Tân) cho biết, số tiền này là thưởng Tết của cơ quan cùng với tiền tiết kiệm suốt năm qua. “Bình thường đầu năm tôi thường gom tiền thưởng Tết gửi tiết kiệm ở ngân hàng , tuy nhiên thấy vàng đang có giá nên quyết định mua vàng. Thời gian tới nếu vàng tiếp tục tăng, mình có thể kiếm chút lời” – chị Hoa nói.
“Cơn sốt” còn tiếp tục
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, cơn sốt mua vàng thời gian tới có lẽ sẽ còn tiếp tục. Có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không giảm lãi suất trong năm 2024, hiện nay họ vẫn chưa kiểm soát được ở mức mong muốn là 2%, tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp, nền kinh tế của Mỹ còn rất nóng nên có thể lạm phát sẽ trở lại. Tỷ giá hiện cũng tăng nên đẩy giá vàng lên. Trong khi đó, tình hình kinh tế Việt Nam cũng chưa hoàn toàn bứt phá. “Chính phủ Việt Nam đang tìm cách sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, nếu được sửa đổi thì thị trường vàng sẽ ổn định hơn. Còn nếu không, giá vàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng từ đây đến cuối năm 2024” – ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, lượng vàng trong dân còn rất nhiều, ít nhất khoảng 400 tấn vàng. Nếu đặt giả thuyết mọi người đổ xô đi mua vàng, rút tiền ngân hàng, không đầu tư vào bất động sản và chứng khoán thì chắc chắn sẽ làm thị trường vàng càng thêm nóng. Điều này gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, ảnh hưởng đến kinh tế, thậm chí ảnh hưởng đến lạm phát.
Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn, là “vịnh tránh bão” cho dòng tiền để chống lại khủng hoảng, lạm phát cũng như sự mất giá của tiền tệ. Đối với Việt Nam, vàng không có vai trò quá quan trọng trong các hoạt động của nền kinh tế. Vì thế, dù giá vàng trên thế giới vừa qua có những thời điểm nhảy lên rất cao, tại Việt Nam giá trị vàng tăng cũng chỉ dần dần và có sự độc lập tương đối với giá thế giới. Do đó, sự ảnh hưởng tiêu cực được dự đoán là không nhiều.
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, giá vàng trong nước tăng cao không hẳn là do ảnh hưởng từ tình hình chính trị, kinh tế của thế giới. Hiện nay nhiều người có tiền nhưng không biết đầu tư vào đâu, trong khi lãi suất tiết kiệm giảm, bất động sản và chứng khoán phập phù… nên họ đưa tiền vào kênh vàng. Tuy nhiên, việc trú ẩn này không có lợi gì cho nền kinh tế Việt Nam.
Giá vàng tăng góp phần kéo theo giá ngoại tệ tăng. Hiện nay, giá USD ở thị trường “chợ đen” đã trên 25.000 đồng/USD. Giá USD tăng một phần do 2 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu tăng rất mạnh, nhu cầu USD tăng lên gây áp lực cho giá USD. Giá vàng tăng là một trong những chỉ dấu minh chứng nền kinh tế khó khăn, vì tiền không đi vào sản xuất mà chỉ trú ẩn vào kênh vàng, kênh ngoại tệ. “Nếu giá vàng tăng cao quá mức sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, ảnh hưởng dây chuyền đến các mặt hàng khác. Tuy nhiên về mặt đầu tư không có chuyện bán tháo tài sản để mua vàng nên không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ” – TS Trinh nhận định.
[ad_2]