[ad_1]
SoftBank, quỹ đầu tư của chính phủ Singapore và hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh về tiền số đang chịu tổn thất hàng trăm triệu USD khi FTX phá sản.
Tuần trước, sàn giao dịch tiền số lớn thứ ba thế giới FTX cạn kiệt thanh khoản, khách hàng liên tục yêu cầu rút tiền sau nhiều thông tin bê bối về pháp lý và tình hình tài chính. Tỷ phú Changpeng Zhao – CEO của sàn giao dịch đối thủ Binance, quyết định thanh lý hơn 2 tỷ USD token do FTX phát hành và hủy thương vụ mua lại. Ngay sau đó, FTX nộp đơn xin phá sản. Trong thời gian ngắn, CEO Sam Bankman-Fried mất gần 26 tỷ USD – một trong những mức giảm nhanh nhất của một tỷ phú từ trước đến nay.
Sam không phải là người duy nhất mất tiền trong sự vụ này. Cú ngã của “người hùng” tiền số một thời kéo theo nhiều “ông lớn” khác là quỹ đầu tư, doanh nghiệp có hợp tác hoặc liên kết, chịu thiệt hại nặng nề.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết SoftBank đầu tư dưới 100 triệu USD vào sàn giao dịch tiền số trên và có thể sẽ mất trắng khi FTX phá sản. Trong khi trước đó, truyền thông đồng loạt đưa tin SoftBank đã rót 900 triệu USD vào năm ngoái và 400 triệu USD khác trong năm nay.
Tương tự, Sequoia Capital – một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn của Mỹ – cho biết sẽ ghi nhận tổng đầu tư vào FTX xuống còn 0 USD. Đại diện Sequoia nói với Reuters rằng Quỹ Tăng trưởng Toàn cầu III của họ đã đầu tư 150 triệu USD, chiếm chưa đến 3% vốn cam kết của quỹ, trong khi quỹ Sequoia Capital Global Equities đầu tư 63,5 triệu USD. Dẫu vậy, Sequoia Capital vẫn khẳng định sẽ hoạt động bình thường.
Thống kê của Forbes cho thấy, tổng giá trị đầu tư của quỹ này từng lên đến 350 triệu USD hồi tháng 1/2022. Nếu tính theo con số trên, đây có thể là mức lỗ lớn nhất với một nhà đầu tư thứ ba trong thương vụ FTX.
Thuộc sở hữu của chính phủ Singapore, quỹ Temasek là nhà đầu tư lớn thứ hai vào FTX với 7 triệu cổ phiếu. Chủ quản Singapore Airlines đã đầu tư cả ba vòng gọi vốn lớn, tổng số tiền khoảng 205 triệu USD, theo ước tính của Forbes. Hồi tháng 1, khoản đầu tư trên còn được định giá tới 320 triệu USD. Trong vòng chưa đầy một năm, toàn bộ số này nguy cơ trở thành vô giá trị.
Là đơn vị quản lý kế hoạch hưu trí của 333.000 giáo viên ở Ontario (Canada), quỹ OTPP vẫn mạnh dạn đầu tư tổng cộng 95 triệu USD vào hệ sinh thái FTX từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Tuy số tiền trên có thể mất trắng, đại diện quỹ này vẫn cho rằng ảnh hưởng không lớn do chỉ chiếm ít hơn 0,05% tổng tài sản ròng.
Trong khi đó, các đơn vị chuyên hoạt động trong ngành công nghiệp tiền số chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Theo WSJ, khoảng 10% tài sản của quỹ đầu cơ Multicoin Capital bị mắc kẹt tại FTX. Đơn vị trên chỉ có thể rút ra khoảng 24% tài sản quỹ được giữ ở sàn này trước khi có lệnh ngừng rút tiền. Đầu tháng 11, đại diện Multicoin Capital từng công bố với các nhà đầu tư rằng quỹ này có quy mô 1,2 tỷ USD.
Công ty cho vay tiền số BlockFi đã dừng việc rút tiền và hạn chế hoạt động trên nền tảng của mình. Đơn vị này giải thích, những biến cố của FTX đã ngăn họ hoạt động như bình thường. Một công ty cho vay tiền số khác – Genesis, cho biết khoảng 175 triệu USD từ hoạt động kinh doanh phái sinh của họ đã bị đóng băng trong tài khoản giao dịch FTX. Đơn vị cung cấp thanh khoản tài sản số B2C2 cũng có 5 triệu USD bị mắc kẹt sau sự vụ.
Theo chuyên trang theo dõi thị trường Mint, nhà đầu tư tổ chức vốn đã chán nản với tiền số, sự sụp đổ đột ngột của FTX có thể làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Biến cố trong tuần rồi được cho là phá hỏng triển vọng tiền số được đưa vào danh mục đầu tư chính của các quỹ chuyên nghiệp. Nhiều nhà quản lý tiền chuyên nghiệp đang rỉ tai nhau rằng, giả thuyết tiền số như một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư hoặc “vàng kỹ thuật số” chỉ là trò bịp. Thực tế các khoản đầu tư đang chịu tổn thất quá lớn và cấu trúc thị trường quá rủi ro.
Hani Redha – nhà quản lý danh mục đầu tư đa tài sản tại Pinebridge Investments ở Anh, cho biết: “Chắc chắn tiền số sẽ không tìm thấy chỗ đứng trong phân bổ tài sản của các tổ chức. Đã có thời kỳ nó được coi là một loại tài sản tiềm năng mà mọi nhà đầu tư nên có trong việc phân bổ tài sản chiến lược và điều đó hoàn toàn khỏi bàn cãi”.
Sự sụp đổ của FTX đang “đặt ra câu hỏi về khả năng tồn tại của hệ sinh thái tiền số”, Salman Ahmed – chiến lược gia đầu tư chính tại Fidelity International, công ty giám sát 646 tỷ USD từ Anh, cho biết.
Trước năm 2022, FTX đẩy mạnh tăng trưởng về quy mô và trở thành “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư mạo hiểm. Theo Forbes, tháng 6 năm ngoái, sàn giao dịch này đã huy động một tỷ USD với mức định giá 18 tỷ USD. Ba tháng sau, FTX tiếp tục thu về 421 triệu USD, định giá khoảng 25 tỷ USD.
Đến đầu năm nay, thị trường rơi vào thời kỳ “mùa đông” tiền số kéo dài. Dẫu vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục bơm thêm 400 triệu USD vào FTX, nâng mức định giá lên tới 32 tỷ USD.
Tiểu Gu
[ad_2]